Với phương châm giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay để hỗ trợ người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Lãnh đạo BHXH tỉnh và huyện Phú Hòa bàn giao nhà Tình nghĩa cho ông Y Vũ. Ảnh: CTV |
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng, thời gian qua, sở đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng tạo nguồn vốn giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình.
Nhiều giải pháp hữu hiệu
Ông Y Vũ ở buôn Hố Hầm (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) vừa được BHXH tỉnh hỗ trợ xây dựng căn nhà mới. Ngôi nhà được xây dựng với diện tích 35m², trị giá hơn 100 triệu đồng, trong đó BHXH tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Sau hơn 2 tháng thi công, ngôi nhà đã hoàn thành và chính thức bàn giao cho gia đình ông Vũ.
“Những năm qua, gia đình tôi được hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà, bò, bảo đảm năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi. Cuộc sống của gia đình đã được cải thiện rất nhiều. Nay được các cấp hỗ trợ xây nhà, có nơi an cư, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để sớm thoát nghèo”, ông Vũ vui mừng bày tỏ.
Tỉnh phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 giảm còn 2,37%; tương ứng giảm 2.235 hộ nghèo. |
Còn ông Phùng Xuân Thời ở thôn Hà Giang (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) được hỗ trợ triển khai mô hình trồng sắn phủ bạt để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Ông Thời chia sẻ: Trước đây kinh tế gia đình khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ giúp đỡ về nguồn vốn, cho tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng trọt…, tôi chăm chỉ làm ăn nên dần dần ổn định, xây được nhà, mua sắm đầy đủ vật dụng cần thiết. Hiện nay, tôi đang áp dụng mô hình trồng sắn phủ bạt, không tốn công chăm sóc, không lo úng thối, tiết kiệm nước tưới, năng suất tăng gấp đôi.
Sông Hinh là một trong những địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai các chính sách giảm nghèo. Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh chia sẻ: Cùng với triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huyện xác định phải chủ động khơi dậy nội lực để tập trung giảm nghèo bền vững. Trong đó, địa phương chú trọng trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo…
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và tích cực xây dựng mô hình nông nghiệp mới. Từ đó, bà con nông dân đã có bước chuyển tích cực trong nếp nghĩ, cách làm. Khác hẳn với lối canh tác cũ, bây giờ toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của huyện đã được người dân khai thác và phát huy tối đa với nhiều cây trồng mới hiệu quả. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm 418 hộ nghèo, còn 3,28%.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Các địa phương đã thực hiện 54 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, như nuôi bò lai sinh sản, dê sinh sản, heo đen sinh sản, vịt xiêm thịt, gà thương phẩm. Tổng số hộ tham gia là 353, trong đó có 120 hộ nghèo, 204 hộ cận nghèo và 29 hộ mới thoát nghèo. Qua đó, an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo từng bước được nâng cao, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Tỉnh phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 giảm còn 2,37%, tương ứng giảm 2.235 hộ nghèo. Để đạt được kết quả đó, ông Phan Đại Thắng cho biết, toàn tỉnh đang tập trung tuyên truyền về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con DTTS ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Theo đó, các đơn vị, địa phương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương; chú trọng tuyên truyền thông qua tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách tại cơ sở. Đồng thời phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan, đơn vị, gia đình, dòng họ trong việc huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ giảm nghèo, giám sát, hướng dẫn hộ nghèo trong quản lý chi tiêu trong gia đình và hướng dẫn cách thức tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất, vệ sinh môi trường. Qua đó giúp người nghèo nhận thức được trách nhiệm giảm nghèo là việc của bản thân, phải tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa đối với bản thân, gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững...
HOÀNG LÊ