Chủ Nhật, 24/11/2024 04:05 SA
Đừng để con trẻ tổn thương tâm lý
Thứ Bảy, 24/08/2024 11:27 SA

Người mẹ trẻ ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân đút cơm cho con ăn, tạo môi trường sống đầy yêu thương cho trẻ. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Những câu nói trả treo của đứa trẻ thường khiến người lớn tưởng nhầm là còn nhỏ nhưng khôn trước tuổi. Thế nhưng, dưới góc nhìn tâm lý học, điều đó cho thấy trẻ đang cảm thấy bị hắt hủi, đang có vấn đề về tâm lý.

 

Vợ chồng ly hôn thường kéo theo nhiều hậu quả, đặc biệt là con cái. Điều này khiến con trẻ bị tổn thương nặng nề.

 

Nỗi sợ người lớn nạt nộ

 

Sáng, sau khi ăn vội chén cháo, bé N.T. L, hơn 4 tuổi, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), lẳng lặng lại chỗ phuy lúa trước hàng ba ngồi một mình. Bà ngoại ăn sáng xong sai cháu lấy miếng chà xoong tối qua mưa to trôi đi xa thì bé chạy đi lấy đưa cho bà ngoại rồi lại trốn sau thùng phuy lúa.

 

Theo ông B.T.B, ông ngoại của bé N.T.L, cách đây 1 năm, bé rất hoạt bát, bi bô chơi đùa như những em bé khác cùng xóm. Tuy nhiên, từ khi việc làm ăn thất bại, ba mẹ nó chia tay, bé ở với ông bà ngoại. Hằng ngày, bé theo bà ngoại vô trang trại nuôi bò trong gò phía sau nhà, ông ngoại ở nhà chăm sóc hoa, cây kiểng. Những ngày nắng gắt, bé ở nhà chơi với ông ngoại. Bé hay nghịch phá bẻ hoa, ông ngoại nói: “Lì lợm quá, nói không nghe, ông đuổi đi theo cha ở”. Mỗi lần ông ngoại nói như vậy nó mếu máo nói “con méc mẹ cho coi”, rồi vô chỗ thùng phuy lúa chơi một mình. Ông cười thầm: còn nói đớt mà biết trả treo..

 

Ông nghĩ bé khôn trước tuổi, mà không để ý rằng bé buồn tủi, co mình đến mức, sau đó bị chậm nói tạm thời. Có lần hỏi 10 tiếng nó trả lời 1 tiếng và chảy nước mắt.

 

Phát hiện sự việc, bà ngoại yêu thương, chiều chiều bà chở bằng xe đạp dạo mát, ông ngoại dỗ dành lời nói ngọt ngào, tinh thần của bé dần ổn định, có phần lanh lợi trở lại.

 

Nhiều tháng nay, bé H.T ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) lầm lì, cứng đầu. Chị N.T.Nh, mẹ bé đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám. Các bác sĩ cho biết, bé không bị bệnh về thực thể mà đang gặp chấn thương tâm lý nặng nề.

 

Chị Nh cho hay, vợ chồng chị ly hôn, bé 5 tuổi ở với mẹ. Mỗi lần đút ăn, bé T không chịu ăn mà lanh chanh, khi thì chạy lấy cái đòn, khi thì xỏ chân mang dép người lớn, mỗi lần đút muỗng cơm phải rượt đuổi chạy từ trước sân ra sau hè mới đút được muỗng cơm. Nhiều lần bực, chị Nh nói: Không chịu ăn, mẹ đuổi theo cha mày ở.

 

Chị Nh chùi nước mắt kể, hồi còn ở với nhau, chiều đút cơm cho con, ba nó cõng đòng đòng trên vai, mẹ bưng chén cơm theo sau. Khi vợ chồng ly hôn, nhà ai nấy ở, bé nó biếng ăn, có lúc đưa muỗng cơm mà nó ngậm miệng không chịu nuốt, phải nạt nộ để bé ăn. Mỗi lần vậy, bé nói: “Ai chơi với mẹ nữa na”. Tôi càng nạt nộ, bé càng cứng đầu, buồn thiu.

 

Vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, chuyên gia tâm lý tư vấn, chị Nh mới hiểu được nguyên nhân. Người lớn như chị bị giày vò, đau khổ từ ký ức đã qua, còn trẻ con tổn thương...

 

Chuyên gia tâm lý nói rằng, ở với mẹ mà không biết rằng con thiếu tình cảm của cha nên bé rất khao khát tình yêu thương. Vậy mà còn xua đuổi, hắt hủi, bé mệt mỏi, rối loạn lo âu, luôn sống trong nỗi sợ người lớn nạt nộ. Chuyên gia tâm lý khuyến khích dắt bé dạo chơi phong cảnh thiên nhiên để bé nhìn màu sắc, xóa đi âm thanh hô hét to lớn, luôn cảm thấy sợ hãi.

 

Tạo môi trường sống yêu thương

 

Thời gian qua, tình trạng các cặp vợ chồng ra tòa ly hôn tăng cao. Đáng lo ngại, tỉ lệ ly hôn xảy ra ở giới trẻ tăng đáng kể, đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

 

Đằng sau mỗi cuộc ly hôn thường kéo theo nhiều hậu quả, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến cuộc sống của những người trong cuộc, đặc biệt là con cái. Áp lực một mình kiếm sống, để con ở với ông bà, một số người thay đổi quan niệm sống, trở nên ích kỷ, thậm chí có tâm lý trả thù, trút giận lên những đứa con vô tội. Nhiều trường hợp bạo lực trẻ em sau ly hôn để lại cho các cháu những tổn thương nặng nề về tâm lý.

 

Theo chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu (Bệnh viện Nhi Đồng 2), trong một số nghiên cứu trên thế giới, tùy thuộc vào sự phát triển của não bộ, trí tuệ và độ ghi nhớ, những ký ức xảy ra khi trẻ dưới 5 tuổi vẫn có thể được lưu trữ. Từ khi còn nhỏ, trẻ đã có khả năng ghi nhận tình huống, nhận biết được cảm xúc của mình.

 

Tuy nhiên, trẻ còn quá nhỏ để xác định, chuyển cảm xúc đó thành lời nói để người khác lắng nghe, chia sẻ nên rất dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi. Theo thời gian, có trẻ rơi vào các rối loạn về sức khỏe tâm thần, có trẻ bị ảnh hưởng, dần trở nên tiêu cực, ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc.

 

Chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt chia sẻ, hầu hết trẻ có biểu hiện, hành vi bất thường đến khám đều liên quan đến những tổn thương trong quá khứ. Có trẻ bị bạo hành, có trẻ phải sống theo kỳ vọng của cha, mẹ…

 

Những vết thương này không mất đi mà trẻ cố gắng đè nén, cố gắng quên đi, nếu bị khơi gợi, ngay lập tức các tình huống đó sẽ trở về, trở thành nỗi ám ảnh, đeo bám suốt quá trình phát triển của trẻ. Một khi có các vết thương trong tâm hồn, trẻ khó phát triển bình thường, không tự tin, không thể tập trung học tập, kết quả sa sút, thường lẩn trốn, khó ngủ, luôn thấy mệt mỏi.

 

Điều này khiến những đứa trẻ này buộc phải gồng lên, tỏ ra trưởng thành hơn so với lứa tuổi của mình. Chúng học cách che giấu cảm xúc, tự lập và mạnh mẽ, nhưng thẳm sâu rất cần được người lớn thấu hiểu, chia sẻ, che chở. Mặt khác, trẻ cũng gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác, khó để hình thành các mối quan hệ lành mạnh, dễ bị tổn thương bởi những lời nói và hành động của người xung quanh.

 

Do đó, cha mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe những tâm sự của trẻ mà không phán xét hay áp đặt suy nghĩ của mình; tạo môi trường sống yêu thương giúp trẻ cảm thấy được che chở.

 

Trong một số nghiên cứu trên thế giới, tùy thuộc vào sự phát triển của não bộ, trí tuệ và độ ghi nhớ, những ký ức xảy ra khi trẻ dưới 5 tuổi vẫn có thể được lưu trữ. Từ khi còn nhỏ, trẻ đã có khả năng ghi nhận tình huống, nhận biết được cảm xúc của mình.

 

Chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek