Ngày 21/8, BSCKII Châu Khắc Toàn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết bệnh nhi T.Q.T.N - nạn nhân đuối nước - đã tỉnh táo, tự thở, ăn uống được. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi tại khoa.
Chiều 20/8, em N (trú phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) tắm biển Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) và bị đuối nước. Nạn nhân được những người chung quanh phát hiện kịp thời, tiến hành ép tim cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp và gọi xe cứu thương.
Em N được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, cơ thể tím tái... Các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã khẩn trương cấp cứu, đặt nội khí quản để thông khí nhân tạo hỗ trợ hô hấp. Nhờ được can thiệp kịp thời và hiệu quả, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định.
Đuối nước là một dạng của ngạt, do nạn nhân hít nước vào phổi hoặc bị tắc đường thở vì thanh quản co thắt khi nạn nhân ở trong nước. Theo bác sĩ Châu Khắc Toàn, đối với các trường hợp đuối nước, sơ cứu tại chỗ và đúng cách là vô cùng quan trọng. Nạn nhân ngừng tim ngừng thở cần được ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt. Việc này ai cũng có thể làm được nếu như đã được huấn luyện. Đây là kỹ năng cần thiết mà ai cũng nên biết; các trường nên trang bị cho học sinh kỹ năng này.
Cách sơ cứu đúng
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên.
- Đặt nạn nhân nằm ở nơi khô ráo, thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy khẩn trương ép tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức, phối hợp ép tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên) trong 2 phút rồi đánh giá xem nạn nhân có thở lại được không? Môi có hồng. không? Có phản ứng khi lay gọi, kích thích đau không? Nếu không thì phải tiếp tục ép tim thổi ngạt ngay cả trên đường đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
- Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài khi nạn nhân nôn.
- Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp chăn hoặc một chiếc khăn khô lên người nạn nhân.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước. (Theo Vinmec) |
YÊN LAN