Sáng 27/7, tại Nhà tưởng niệm và ghi danh các anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (Đông Tác, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa), Hội CCB tỉnh trang trọng tổ chức giỗ chung cho hơn 6.200 liệt sĩ được yên nghỉ tại đây.
Để chuẩn bị cho ngày giỗ đặc biệt này, ngay từ chiều của ngày hôm trước mọi thứ đã được chuẩn bị từ mâm ngũ quả, bánh ít đến thịt cá và nguyên liệu để nấu, chế biến các món. Kinh phí tổ chức do nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tự nguyện đóng góp.
Ngay từ mờ sáng, trong căn bếp của khu nhà tưởng niệm, nhiều CCB, thân nhân các liệt sĩ cùng nhau sửa soạn mâm cỗ cho ngày giỗ chung.
Bên trong nghĩa trang, trên phần mộ của từng liệt sĩ những bông hoa tươi, những cành huệ trắng cũng vừa được thay mới; dòng người đến viếng nối tiếp nhau.
Viếng đồng đội |
Bên trong nghĩa trang, trên phần mộ của từng liệt sĩ những bông hoa tươi, những cành huệ trắng được thay mới. |
Đại tá Trần Minh Từ, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, 23 năm trước, lần đầu tiên giỗ chung các liệt sĩ được tổ chức do ông Nguyễn Văn Cường là quản trang Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cùng một số người đóng góp. Từ đó, vào ngày 27/7 hàng năm, ngày này trở thành ngày giỗ chung của các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây và kể cả những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Đại tá Trần Minh Từ, chủ lễ (bên phải) và ông Nguyễn Trọng Thuận, chánh tế ngày giỗ chung liệt sĩ 27/7 năm nay |
Vào ngày này, không ai bảo ai, nhiều CCB là đồng đội và thân nhân của các liệt sĩ cùng đến Nhà tưởng niệm và ghi danh các anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để chuẩn bị mâm cỗ cúng giỗ, tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Phú Yên vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Cường nhớ lại: Dịp kỷ niệm 27/7 năm ấy tôi cùng anh em đồng đội tìm kiếm, quy tập được hai mộ liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Mọi người bàn nhau làm mâm cơm để cúng hương linh của họ và các liệt sĩ đã yên nghỉ trước đó. Các năm sau, cứ đúng ngày 27/7 chúng tôi lại tổ chức giỗ và quy mô ngày càng lớn dần. Đến năm 2004, Hội CCB tỉnh đứng ra làm đầu mối tổ chức giỗ cho đến nay.
Bộ phận nhà bếp chuẩn bị mâm cỗ |
Sắp đặt các món đã chế biến lên bàn thờ |
Còn ông Nguyễn Trọng Thuận (TP Tuy Hòa), một trong những người có sáng kiến tổ chức ngày giỗ chung cho hơn 6.200 liệt sĩ tại nghĩa trang này chia sẻ: “Với những người từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc, không ai mà không ít lần cận kề cái chết. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, những người còn sống trở về với gia đình là nhờ có đồng đội đã giành lấy cái chết cho mình được sống. Tuy nhiên, những người đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ấy không phải ai cũng được cúng giỗ đàng hoàng. Có người được chôn cất tử tế, để lại họ tên, ngày tháng hy sinh, nhưng không ít người ngay một nấm mồ cũng không. Vậy nên, chúng tôi mới bàn nhau tổ chức giỗ chung cho các liệt sĩ”.
Tìm kiếm người thân qua danh sách liệt sĩ bên trong nhà tưởng niệm |
Theo đại tá Phan Tấn Ô, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh: Duy trì tổ chức ngày giỗ chung các liệt sĩ nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ và để không một đồng đội nào yên nghỉ tại đây không được nhang khói, cúng giỗ.
Nhiều đơn vị, cá nhân đến viếng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và góp giỗ |
Không chỉ đồng đội, người thân của các liệt sĩ ở trong tỉnh mà nhiều người từ khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đến dự, cùng góp giỗ, nhất là người thân, con cháu liệt sĩ ở Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Các bạn trẻ Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không Tuy Hòa với vòng hoa và pa nô đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh |
Nhóm thành viên Công ty Số hóa Mặt Trời (TP Hồ Chí Minh) chuẩn bị dâng hương các anh hùng liệt sĩ |
Chị Dương Thị Ánh Ngọc (Trưởng nhóm Công ty Số học Mặt trời, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa, phù hợp với truyền thống, phong tục của người Việt Nam. Nghĩa cử này sẽ làm cho những người đã hy sinh vì dân vì nước ấm lòng nơi chín suối".
Bài và ảnh: XUÂN HIẾU