Trên con đường học tập, có những kỳ thi mang tính ngã rẽ như thi vào lớp 10, thi đại học, cao đẳng. Do vậy việc dồn tâm sức, thời gian, sự kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là thi thì có đỗ có trượt. Nhưng, khi con thi trượt thì sao? Cha mẹ nên ứng xử như thế nào?
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024-2025 vừa qua, Phú Yên có 2.600 học sinh không có cơ hội vào trường công lập. Rất nhiều phụ huynh và học sinh đã lo lắng, hoang mang. Kế tiếp kỳ thi vào lớp 10 là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Các kỳ thi quan trọng nối tiếp nhau là một chuỗi hồi hộp, nóng lòng của phụ huynh, học sinh chờ ngày công bố kết quả.
Tôi cũng từng thi đại học, cũng từng chờ đợi và hiểu được cảm giác buồn bã khi không đạt được kết quả như mình mong muốn. Thế nhưng, chỉ tôi có cảm giác hụt hẫng, còn lại mọi người trong gia đình đều tỏ ra không quá để tâm đến chuyện này. Ba tôi chỉ nhắc, rớt năm này thì năm sau thi lại, có gì đâu mà buồn. Nhưng không phải ai cũng giống ba tôi. Vì ở vài nhà hàng xóm, chỉ vì kết quả thi cử của con cái không được như kỳ vọng, nhiều người đã không tiếc lời trách móc, xúc phạm con mình và coi tương lai của chúng sẽ không còn gì cả.
Về vấn đề ứng xử của cha mẹ khi con thi rớt, chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục HàNội cho rằng, kỳ vọng của cha mẹ là chính đáng, bởi ai cũng mong ước những điều tốt đẹp nhất đến với con. Nhưng cần phải hiểu, giữa kỳ vọng và năng lực của con là hai việc khác nhau, kỳ vọng nhưng phải phù hợp với năng lực, khả năng của con. Và đặc biệt, trong thời điểm con thi trượt, cha mẹ phải “kìm nén” kỳ vọng đó lại.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, điều quan trọng nhất lúc này là hãy lắng nghe con. Thay vì trách mắng, thất vọng, hãy chia sẻ với con, trở thành chỗ dựa tinh thần cho con. Khi con đã bình tĩnh, cha mẹ cần thảo luận cởi mở cùng con để đưa ra giải pháp. Cha mẹ có thể gợi mở cho con những lựa chọn mới như nếu thi trượt trường THPT công lập thì có thể chọn học trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc cho con tham gia học nghề tùy theo năng lực, mong muốn của con. Hay khi con trượt trường đại học mong muốn, cha mẹ nên khuyến khích con tìm trường khác tương tự hoặc nghĩ tới việc học cao đẳng, trung cấp hay học nghề.
Việc cha mẹ chia sẻ với con cái giúp con có cái nhìn rộng mở về tương lai; giúp con hiểu được dù học trường nào, nghề nào đi chăng nữa thì đích đến, mục tiêu quan trọng cuối cùng vẫn là cho bản thân con sau này một công việc phù hợp. Chỉ cần con có ý chí phấn đấu, cần cù, nỗ lực thì làm nghề nào cũng đáng quý, đáng trân trọng.
BẢO HÀ