Cùng với những lợi ích mang lại, môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vậy nên, việc bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.
Trẻ em tham gia diễn đàn với nội dung “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Ảnh: KIM CHI |
Phú Yên có khoảng 164.200 trẻ em. Trong đó, gần 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 98%. Tổng số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 11.964 trẻ.
Bảo vệ thông tin cá nhân
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ đã mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp cận nhiều hơn với internet. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các em lại thường ít được trang bị đủ các kỹ năng “tự vệ”, có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn trên không gian mạng, như: Bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu; dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật; bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng…
Anh Nguyễn Vy Phương (phường 4, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có hai đứa con 12 và 8 tuổi. Hằng ngày, các cháu ở nhà được chúng tôi quy định thời gian sử dụng máy tính và lướt web sao cho an toàn. Bên cạnh hỗ trợ học tập, việc sử dụng mạng rất nguy hiểm bởi mặt trái của nó. Tôi rất sợ các con bị dụ dỗ, lôi kéo, nên luôn cảnh giác”.
Còn chị Đặng Hải Hiền (thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) thổ lộ: Hiện đang là kỳ nghỉ hè của học sinh, người lớn thì lo công việc đồng áng. Ở nông thôn không có khu vui chơi, giải trí cho trẻ em nên tôi chỉ biết để con chơi ở nhà với ti vi, điện thoại… Các con thường lên mạng chơi trò chơi, tìm kiếm thông tin... nên rất dễ bị kẻ xấu lừa đảo.
Thực tế, không ít phụ huynh có thói quen khoe con mình trên mạng xã hội, từ thành tích học tập, giải thưởng, giấy khen đến hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Thói quen đó như “con dao hai lưỡi”, để lại không ít hệ lụy cho trẻ như gây áp lực, lộ thông tin cá nhân, nguy cơ bị kẻ xấu phạm tội, tấn công.
Em Lê Sơn Ngọc (phường 4, TP Tuy Hòa) cảm thấy áp lực và ngại ngùng với bạn bè khi mẹ khoe bảng điểm với thành tích của em lên mạng xã hội. Ngọc nói: “Em cảm thấy áp lực, mệt mỏi và đã đề nghị mẹ nếu muốn đăng hình ảnh, thông tin liên quan đến em lên mạng xã hội thì phải hỏi ý kiến trước”.
Tạo môi trường sống an toàn
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và đang là vấn đề có tính toàn cầu. Bởi trẻ bị xâm hại không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn cả tâm lý, khả năng học tập. Môi trường ảo trên mạng đã khiến nhiều trẻ em lựa chọn cuộc sống “ảo”; trở nên cá nhân, riêng tư hơn và ít bị giám sát hơn, dẫn tới nhiều trường hợp trẻ em thường hướng đến sự tư vấn, chia sẻ từ bên ngoài hoặc bạn bè, khiến gia đình, cha mẹ khó bảo vệ con hơn. Không ít trường hợp trẻ bị bắt nạt trên mạng đã có nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm hoặc có ý định tự tử.
Theo ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tư vấn, tham vấn tâm lý cho 3 trường hợp trẻ em bị bạo lực học đường, trẻ em đang học lớp 8 bị tổn thương tâm lý do áp lực từ gia đình, trẻ em có liên quan đến trẻ tự kỷ.
Trong thời gian tới, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm sự tham gia an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện các quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, sở tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của gia đình, trực tiếp là cha mẹ và người thân; tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ trẻ em. Đồng thời đề cao vai trò của trẻ em, các em cần được bảo vệ và cần chủ động trang bị các kiến thức về sử dụng mạng an toàn.
“Sự chung sức của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, và sự chủ động của chính trẻ em sẽ giúp thiết lập một môi trường lành mạnh ngoài xã hội cũng như trên không gian mạng, giúp trẻ em phát triển toàn diện”, bà Hiền khẳng định.
Theo Luật Trẻ em, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ trẻ. |
KIM CHI