Thay thế Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ, Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 được nhiều người đón đợi.
Phải nói rằng, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm nên cần cẩn trọng thực hiện từng bước. Vì vậy, phương án chi trả lương theo vị trí việc làm chưa thực hiện được, thay vào đó sẽ tăng lương cơ sở lên 30%, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng là mức tăng cao nhất trong lịch sử điều chỉnh lương. Trong lúc này, đây là chính sách phù hợp, tạo đồng thuận, trước mắt bảo đảm sự hài hòa, bình đẳng, công bằng đối với hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cả nước. Từ đây, nỗi lo tài chính phần nào giảm bớt, chi phí sinh hoạt phần nào được trang trải, hay với phần tăng thêm sẽ có khoản dự phòng... sẽ góp phần tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tăng lương khu vực công cũng là cơ sở, là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng công vụ. Các cơ quan, đơn vị có thể đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp, xây dựng quy chế đánh giá năng lực giải quyết công việc để tăng lương, có chế độ thưởng phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Quyền lợi đi liền với trách nhiệm là vậy.
Tăng lương để cải thiện đời sống của người hưởng lương, đồng thời cũng đưa mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo tăng lên. Tuy nhiên, nếu vật giá leo thang thì việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa. Thực tế, giá và lương có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hiện tượng tăng lương - tăng giá, “té nước theo mưa” vẫn xảy ra. Và lực lượng lao động tự do, thu nhập thấp, không được hưởng lợi từ chính sách tăng lương lại là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Do đó, để giữ được giá cả ổn định, các bộ, ngành, địa phương cần có những phương án để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kêu gọi các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao, đầu mối chuỗi cung ứng tham gia chương trình bình ổn thị trường; có giải pháp phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, cải thiện năng suất lao động; thiết lập hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm mua bán công khai, minh bạch. Đồng thời tránh điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện sinh hoạt cùng thời điểm tăng lương…
Hy vọng, sự vào cuộc của các cấp, ngành sẽ mang lại những giải pháp đồng bộ hiệu quả. Qua đó sẽ làm cho việc điều chỉnh tăng lương lần này thật sự ý nghĩa, là nguồn động viên lớn đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; để những chính sách mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương, vừa bảo đảm sự cân đối, hài hòa trong việc hưởng lương và trợ cấp, vừa bảo đảm các chính sách an sinh xã hội cho người dân đi vào cuộc sống.
MINH KHUÊ