Đó là anh Võ Nguyên, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ). 51 tuổi đời, anh đã trải qua 54 lần hiến máu tình nguyện.
Không chỉ hiến máu thường xuyên, hiến máu nhiều lần, anh Nguyên còn hiến máu khẩn cấp, đồng thời vận động nhiều người khác cùng hiến máu.
“Ngân hàng máu sống”
Gần 4 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đồn Biên phòng 348 (Đồn Biên phòng An Hải, thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh), tháng 9/1995, xuất ngũ và trở về địa phương, anh Võ Nguyên được giới thiệu tham gia vào Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Bình Kiến, TX Tuy Hòa (nay là phường 9 và xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa).
Ở đó, anh được lãnh đạo Đảng ủy xã Bình Kiến cử đi học trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác thanh thiếu nhi. Theo anh Nguyên, “nghiệp” công tác phong trào “đeo mang” từ đó, rồi anh được tuyển dụng về công tác tại Thị đoàn Tuy Hòa.
Anh Nguyên nhớ lại: Phong trào hiến máu thanh niên, khởi nguồn từ mùa hè năm 1996, do Ủy ban Hội LHTN tỉnh chủ trì. Tôi được lãnh đạo Thị đoàn phân công nhiệm vụ theo dõi, phối hợp và vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện trong thanh niên TX Tuy Hòa.
“Nhận thức về việc hiến máu trong cộng đồng thời gian đó rất “căng”, ít người sẵn sàng tham gia vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe… nên tôi tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến việc hiến máu, tiếp nhận máu, chính sách đối với người hiến máu để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động thanh niên các xã, phường tham gia hiến máu. Nhờ vậy, khi có người thắc mắc, tôi có đủ thông tin để trả lời, giúp họ tự tin tham gia hiến máu”, anh Nguyên nói.
Cũng theo anh Nguyên, đến những năm 2000-2001, phong trào hiến máu tình nguyện trong tỉnh được lan rộng, không chỉ thanh niên mà nhiều người, nhiều giới cùng tham gia. Việc hiến máu phục vụ những tình huống cấp cứu ngày càng cao, Ủy ban Hội LHTN tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập “Đội hiến máu dự bị”, sau này là “Ngân hàng máu sống” nhằm có lực lượng sẵn sàng hiến máu khi các bệnh viện có nhu cầu khẩn cấp.
“Tôi và nhiều người khác đã hiến máu cấp cứu nhiều lần. Có lần, vì nhu cầu khẩn mà nguồn máu khan hiếm, tôi và bạn Phạm Tâm Thi (phường 4) đã mạnh dạn hiến 500ml/người tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Tôi và nhiều anh chị em khác xem việc hiến máu là bình thường, không ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, miễn là sau khi hiến máu, cần thực hiện đúng hướng dẫn, quy định về ăn uống, lao động, ngủ nghỉ”, anh Nguyên chia sẻ thêm.
Phấn đấu đủ 62 lần hiến máu
Gần 30 năm tham gia phong trào vận động hiến máu tình nguyện, tổ chức, trực tiếp hiến máu, anh Nguyên có nhiều kỷ niệm buồn, vui. “Vui vì phong trào hiến máu ngày càng được cộng đồng ủng hộ và được các ngành, các tổ chức tham gia, từ đó nguồn máu phục vụ điều trị bệnh ngày càng được đáp ứng tốt hơn và kịp thời. Thỉnh thoảng tôi đi công tác về huyện, về xã có người nhận ra và cảm ơn vì đã giúp người thân của họ được cứu chữa kịp thời. Rồi có lúc tôi buồn vì một số trường hợp bệnh viện đã nỗ lực cứu chữa, nguồn máu tươi được huy động đủ để chữa trị, nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi, có bệnh nhân mất khi còn rất trẻ”, anh Nguyên tâm sự.
Anh Võ Nguyên tham gia “Ngân hàng máu sống”, hiến máu cấp cứu, mang sự sống đến cho những người bệnh đang chờ. Các thành viên tham gia “Ngân hàng máu sống” cũng tham gia đội tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, từ đó nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tham gia ngày hiến máu.
Ông Nguyễn Hữu Sửu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh |
Với những đóng góp trong hoạt động hiến máu tình nguyện, anh Nguyên được các cấp, ngành tặng giấy khen. Anh nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích tổ chức, vận động và tham gia phong trào hiến máu nhân đạo 5 năm 1995-1999 và năm 2000; thành tích hiến máu tình nguyện trên 20 lần - tháng 6/2007 và được Bộ trưởng Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân (năm 2007).
Mới giữa tháng 6 này, anh Nguyên tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện và là lần hiến máu thứ 54 trong cuộc đời anh. “Hiến máu, việc rất bình thường, nhưng lại cũng có người còn lo ngại. Chúng ta hãy một lần tham gia, trải nghiệm, tôi tin mọi người sẽ tự tin tham gia những lần sau, chỉ trừ những người sức khỏe không đảm bảo điều kiện hiến máu”, anh Nguyên chia sẻ.
Bắt đầu hiến máu từ 1996, anh hy vọng đến hết năm 2026, tròn 30 năm tham gia phong trào, anh sẽ hiến máu đủ 62 lần. Theo anh, việc hiến máu ứng theo quy định về độ tuổi nghỉ hưu là đủ 62 lần.
Ông Nguyễn Hữu Sửu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Thời gian qua, nhiều chiến dịch, chương trình hiến máu tình nguyện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân như: Chương trình Hành trình đỏ, Ngày hội hiến máu Giọt hồng Phú Yên, Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc. Đó cũng là hành trình trao yêu thương, sẻ chia và gắn kết giữa hàng triệu trái tim người dân Việt Nam để giữ dòng máu luôn chảy, mang lại sự sống và hạnh phúc cho biết bao gia đình người bệnh.
“Hội Chữ thập đỏ tỉnh trân trọng cảm ơn những người đã thầm lặng góp sức, trao tặng những giọt hồng sự sống quý giá để tiếp thêm hy vọng, niềm tin và sự hồi sinh kỳ diệu cho biết bao người bệnh và gia đình họ. Không chỉ hiến máu thường xuyên, hiến máu nhiều lần, nhiều người còn hiến máu khẩn cấp khi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, đồng thời vận động nhiều người khác cùng hiến máu”, ông Sửu nói.
MẠNH LÊ TRÂM