Thứ Sáu, 20/09/2024 17:30 CH
Cảnh giác lừa đảo, mất cắp tại các chợ truyền thống
Thứ Tư, 29/05/2024 14:00 CH

Hoạt động mua bán của tiểu thương chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa). Ảnh: KHANG ANH

Thời gian gần đây, tại các chợ truyền thống thường xuyên xảy ra mất cắp, lừa đảo gây thiệt hại cho cả người bán và người mua. Người dân cần cảnh giác cao để không gặp phải tình trạng này.

 

Nhiều trường hợp bị mất cắp, lừa đảo

 

Theo lời kể của chị Đ.T.L (tiểu thương chợ Phường 7, TP Tuy Hòa), sạp hàng của chị đã nhiều lần bị các đối tượng lấy cắp hàng hóa. Qua trích xuất camera lắp đặt tại điểm bán, chị phát hiện những khách hàng này không mua nhưng trên tay lại xách theo hàng của sạp rời đi.

 

Có trường hợp mua loại hàng này nhưng khi đi lại xách thêm loại hàng khác. Các đối tượng trộm cắp thường đến sạp vào những khung giờ cao điểm, người mua đông nên đôi lúc chị L không quán xuyến kịp.

 

Cũng theo một số tiểu thương khác tại chợ Phường 7, không ít người mua than vãn là bị mất hết hàng hóa, thực phẩm sau khi mua. Chị N.T.G, tiểu thương chợ này nói: Có người vừa mua hàng của tôi xong, xách qua chỗ khác mua tiếp rồi quay lại sạp nói mất hàng. Họ kể là trong lúc bỏ hàng tại sạp, quầy để lấy tiền thanh toán là có đối tượng nhanh tay xách đi. Những trường hợp như vậy xảy ra rất nhiều nhưng không ai để ý, phát hiện.

 

Hay như tại chợ xã An Phú (TP Tuy Hòa), tiểu thương, người mua hàng bị móc túi. Kể về vụ móc túi xảy ra gần đây, chị L.T.H cho biết: Chúng tôi phát hiện, bắt được một phụ nữ trung niên móc túi và đã lấy lại tiền. Chúng tôi cũng ghi lại hình ảnh lúc bắt được kẻ gian ngay tại chợ để nêu cao cảnh giác cho những trường hợp khác. Thông thường trước khi tiến hành hành vi này, các đối tượng xem xét, để ý tiểu thương mua hàng nhiều, có tiền nhiều trong túi rồi luẩn quẩn, giả vờ hỏi mua cái nọ cái kia, đến lúc thuận lợi thì thực hiện hành vi trộm cắp.

 

Không chỉ bị mất cắp, nhiều tiểu thương còn gặp phải các trường hợp lừa đảo với số tiền lớn. Như trường hợp của bà Đ.T.Q, tiểu thương bán túi nilon (chợ Tuy Hòa), dù gặp phải chiêu trò cũ nhưng vẫn bị lừa. Theo bà Q, hôm đó có một phụ nữ đến hỏi mua hàng số lượng lớn, bà Q rất vui và tiếp nhận đơn đặt hàng mặc dù biết mặt hàng này không có tại sạp. Người này đặt hàng, cho bà số điện thoại có kết nối Zalo để tiện liên lạc. Bà tiếp nhận đơn và thỏa thuận giao dịch với khách là sẽ giao hàng theo đúng thời gian, địa điểm khách yêu cầu.

 

“Khi kết nối Zalo với tôi, người này gửi hình ảnh về mặt hàng cần mua. Lát sau lại có một người khác đến xưng là nhân viên của một nhãn hàng đến giới thiệu sản phẩm. Tôi nhìn thấy đúng loại hàng mà vị khách kia đặt nên mua liền 4 thùng với giá 11 triệu đồng. Thanh toán cho người bán xong, tôi gọi điện thoại cho người khách vừa đặt hàng thì nhận thông báo số máy không liên lạc được.

 

Gọi liên tục không được, biết mình đã bị lừa, tôi lập tức chia sẻ thông tin cho các tiểu thương khác. Để giải quyết số hàng này, tôi có hỏi một cơ sở phân phối quen, nhưng chủ cơ sở này nói là số hàng tôi mua chỉ có giá khoảng 600.000 đồng và không chịu nhận bán giùm vì không biết nguồn gốc, không biết hàng thật hay giả”, bà Q cho biết.

 

Nâng cao cảnh giác

 

Không chỉ bà Q mà một số tiểu thương chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa) cũng mắc phải chiêu trò tương tự. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ nắm thông tin, những tiểu thương bị lừa đều ngại chia sẻ vì lý do, tiền cũng đã mất và xem đây là bài học để rút kinh nghiệm.

 

Các đối tượng lừa đảo thường đến chợ tự xưng là nhân viên cơ quan, doanh nghiệp, cần mua với số lượng lớn những mặt hàng mà tiểu thương không bán. Các đối tượng cũng đi theo nhóm, qua giọng nói thì không phải người dân địa phương và giao dịch rất nhanh nên tiểu thương dễ mắc lừa nếu không cảnh giác cao.

 

Theo thông tin từ tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn cung cấp, các đối tượng lừa đảo thường đến chợ xưng là nhân viên cơ quan, doanh nghiệp, cần mua số lượng lớn những mặt hàng mà tiểu thương không bán. Các đối tượng cũng đi theo nhóm, qua giọng nói thì không phải người dân địa phương và giao dịch rất nhanh nên tiểu thương dễ mắc lừa nếu không cảnh giác cao.

 

Bà Trần Thị Điệp ở đường Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Qua thông tin trên báo chí, mạng xã hội…, chúng tôi cập nhật được nhiều vụ việc, chiêu trò lừa đảo, nhưng thực tế trong quá trình giao dịch cũng có thể bất cẩn, thiếu thận trọng khi khách đặt hàng với số lượng lớn.

 

Theo đại diện Ban Quản lý chợ Phường 7, tại chợ xảy ra một số trường hợp trộm cắp nhỏ, nhưng vì tiểu thương không thông tin, báo cáo nên ban quản lý không hỗ trợ xử lý kịp thời. Hiện chợ đã lắp đặt 8 camera và tăng cường lực lượng bảo vệ. Ban quản lý cũng lắp đặt 4 loa phát thanh để tuyên truyền cho tiểu thương về các nội dung liên quan đến hoạt động, trật tự chợ, giúp tiểu thương nâng cao tinh thần cảnh giác trước các đối tượng trộm cắp, lừa đảo.

 

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, đại diện Ban Quản lý chợ Tân Hiệp cho hay: Những năm trước, chợ xảy ra một số vụ trộm cắp nhưng bị phát hiện, xử lý kịp thời. Gần đây ban quản lý không phát hiện trường hợp nào.

 

Riêng về việc tiểu thương bị lừa đảo mua hàng với số tiền hơn chục triệu đồng mới đây, ban quản lý không tiếp nhận được thông tin từ tiểu thương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình để cảnh báo cho tiểu thương bán buôn tại chợ. Mong muốn của ban quản lý là khi xảy ra trộm cắp, lừa đảo…, tiểu thương kịp thời chia sẻ để ban quản lý có cách hỗ trợ xử lý và thông tin cho các tiểu thương khác nâng cao cảnh giác. 

 

KHANG ANH

 
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek