Thứ Sáu, 20/09/2024 11:43 SA
Xóm nhỏ ở lưng chừng đèo bên đầm Ô Loan
Chủ Nhật, 26/05/2024 07:00 SA

Đường bê tông, hàng rào người dân xóm 12 xây dựng từ đá rẫy. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Từ trên đèo Quán Cau nhìn xuống thung lũng sâu, một xóm nhỏ hiện ra ở lưng chừng dốc núi hiền hòa, êm đềm. Đó là xóm 12 thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An.

 

Con đường bê tông từ đỉnh đèo dẫn xuống xóm 12, cảnh đẹp tự nhiên của những rẫy bắp, đồi cỏ voi, hàng rào đá rẫy… mê đắm lòng người. Những chiếc sõng câu gác đầu lên con lạch cạn, những chòi nuôi tôm lợp bạt đủ sắc màu nhô lên trên mặt nước đầm Ô Loan thơ mộng.

 

Sáng đón nắng mai, chiều rợp bóng mát

 

Đi trên quốc lộ 1 theo hướng nam - bắc, đến đỉnh đèo Quán Cau chỗ đặt biểu tượng Di tích thắng cảnh Đầm Ô Loan rẽ phải, chạy xe máy theo đường bê tông đến chỗ có bụi tre, rồi rẽ qua khúc cua chòm chuối là đến ngã ba Giếng. Nơi đây là trung tâm xóm 12. Từ dưới nhìn lên những ngôi nhà mái ngói lô nhô, thấp thoáng nơi lưng chừng đồi. Từ ngã ba Giếng tiếp tục rẽ phải, đường bê tông theo chân người dân đi qua những rẫy bắp, đám đậu phộng...

 

Chúng tôi đến nhà ông Phạm Sương. Ngôi nhà nằm cạnh đường bê tông, nhìn ra hướng đầm Ô Loan, phía sau vườn có đám bắp đến mùa thu hoạch. Ông Sương cho biết: Đám đất này trước đây đá rẫy lởm chởm, tôi khai hoang bằng cách gánh đá chất thành bờ, san bằng nhiều năm mới thành đất thục để trồng bắp. Trước đây Từ trên đèo Quán Cau nhìn xuống thung lũng sâu, một xóm nhỏ hiện ra ở lưng chừng dốc núi hiền hòa, êm đềm. Đó là xóm 12 thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An. trồng bắp tẻ, hột nhỏ, khi ra trái thường bị răng cưa cửa cổng. Nay trồng bắp lai hột to rải đều, mười trái như một, dài bằng gang tay người lớn. Theo ông Sương, từ ngã ba Giếng đi lên đỉnh đèo hay xuống đầm, trước đây đường dốc đá, nhỏ hẹp, qua nhiều cua cùi chỏ, ngã ba nạng ná. Từ khi làm đường bê tông mở rộng mặt đường 3m, phá bỏ nhiều cua cùi chỏ, việc đi lại thuận lợi hơn.

 

Cũng như nhà ông Sương, tất cả nhà ở xóm 12 này đều ngửa mặt xuống đầm Ô Loan, buổi sáng đón nắng hướng đông, chiều rợp bóng mát. Đứng chỗ nào cũng nhìn thấy đầm Ô Loan. “Những ngày trời nắng nóng, chiều làm mệt về, để bộ bàn nhựa trước sân ngồi nhâm nhi chén trà, nhìn xuống đầm Ô Loan mặt nước lặng như tờ, lòng thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Mùa hè nắng nóng, buổi tối đi ngủ để cửa từ đầu hôm đến sáng, gió từ đầm thổi lên mát rượi giống như nằm máy lạnh”, ông Sương tâm đắc.

 

Ngày làm rẫy, đêm thả lưới

 

Xóm 12 có 4 chòm, với 25 hộ dân. Từ ngã ba Giếng đi qua chòm Giữa, lên chòm Trên, ra chòm Ngoài rồi xuống chòm Dưới. Trong 4 chòm thì đường bê tông đến chòm Dưới chậm hơn, vừa thi công xong. Người dân ở đây, ban ngày làm rẫy, đêm xuống đầm thả lưới mưu sinh.

 

Bà Nguyễn Thị Niềm, hàng xóm của ông Sương tâm sự: Người dân ở đây làm rẫy, ăn tôm nhảy, cá tươi dưới đầm. Nấu lẩu thì hái bông bí, mướp đất nhúng vô, ăn vào ngọt ngay. Ban ngày làm rẫy, ban đêm bơi sõng câu ra đầm thả lưới bắt cá, đủ nấu, đủ kho, đủ lo cho gia đình. “Đủ nấu là hôm nào đầm đói, cá ít, thả lưới cả đêm về nấu đủ ăn một bữa. Hôm đầm êm thì cá tôm nhiều, không chỉ ăn mà còn bán kiếm tiền trang trải chi tiêu”, bà Niềm giải thích.

 

Còn bà Trần Thị Điệp ở chòm Dưới cho hay: Người dân ở đây bước qua đường ray tàu lửa vài chục mét là đụng mép đầm. Theo quy luật, mùa mưa nước lụt từ cầu Lò Gốm (Ngân Sơn - Chí Thạnh) đổ về làm mực nước trong đầm dâng cao, tôm cá cũng từ đó theo vào. Khi cửa biển An Hải mở rộng, nước mặn tràn vào, Ô Loan thành đầm nước lợ, thủy hải sản trong đầm sinh sôi. Đến mùa nắng, phụ nữ xuống đầm mò con sò, cạo con cháy… kiếm thêm thu nhập.

 

Bà Bùi Thị Hiền vừa kéo chiếc sõng chở bao tải đựng cháy vào bờ, nói: Con cháy sống bám thành mảng, thành giề, giống miếng cơm cháy. Hiện người dân bán con cháy với giá 3.000 đồng/ kg, làm siêng đi bắt một buổi kiếm khoảng 200.000 đồng. Tôi tự bơi sõng đánh bắt cá, tôm, rồi làm thêm trên bờ nữa thì đủ nuôi con ăn học.

 

 

Bà con ở xóm 12 chủ yếu sống bằng nghề nông, số ít sống bằng nghề khai thác đánh bắt hải sản từ đầm Ô Loan. Từ khi đường bê tông nối dài qua các chòm, ngoài phục vụ sản xuất còn tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con em đi học hằng ngày ở gần đền thờ Lê Thành Phương, trung tâm thôn Mỹ Phú 1.

Ông Dương Lê Vũ, Chủ tịch UBND xã An Hiệp

 

 

Theo người dân chòm Dưới, trước đây ban đêm nhìn xuống đầm Ô Loan thấy hàng trăm đốm lửa, đó là những ngọn đèn dầu thắp sáng đóng chấn trên đầm. Mấy năm gần đây, đầm đói, không ai đóng chấn nữa, ban đêm nhìn ra đầm tối tăm. Trước đây người dân xóm 12, một nửa sống bằng nghề đầm, nay chỉ còn vài người ở chòm Dưới mưu sinh. Từ chòm Dưới chúng tôi lại ngược lên chòm Giữa, qua ngã ba Giếng đến chòm Ngoài, đi chậm để níu lại, ngắm nhìn từng khung cảnh miền quê đang trôi qua, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hiền hòa, các chòm nhà ngửa mặt xuống đầm Ô Loan.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek