So với việc quan tâm con người, sự việc bên ngoài, nhiều người trẻ gần đây có xu hướng chọn lối sống một mình, để tận hưởng, dành thời gian cho bản thân.
Thích làm mọi thứ một mình
Không hiếm người trẻ hiện nay thích làm việc, ăn uống, vui chơi một mình và dần tách khỏi tập thể hay các cộng đồng. Họ cho rằng đây là một cách yêu bản thân, cân bằng cuộc sống và giải tỏa áp lực.
L.V.C đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cho biết, ở công ty, anh vẫn giao tiếp với khách hàng, trò chuyện với đồng nghiệp nhưng buổi tối và đặc biệt là những dịp lễ, ngày cuối tuần, hầu như anh chỉ dành cho bản thân, không giao du, không bia rượu. Thời gian ấy, anh tập trung cho sở thích của mình là trang trí nhà cửa, nấu ăn, xem phim, tận hưởng không gian yên tĩnh. Trong những kỳ nghỉ dài, anh về quê với gia đình hoặc đi du lịch một mình.
Dù cảm nhận lối sống ấy rất phù hợp với bản thân, nhưng anh C lại khiến gia đình nghi ngờ đó là triệu chứng của trầm cảm, thậm chí là có vấn đề về giới tính. “Mỗi lần tôi về nhà, thường thấy ba uống rượu và khóc. Ông nghĩ rằng tôi đã 34 tuổi, sự nghiệp ổn định nhưng chưa lập gia đình, không có nhiều bạn và có vẻ cô đơn, khép mình. Tôi đã giải thích rằng, tôi thích lối sống này vì tự do, hạn chế những cuộc chơi vô bổ chứ không phải muốn tách biệt với xã hội, nhưng ba mẹ không hiểu”, anh C giải thích.
Cùng quan điểm với anh C, chị H.T.T, một giáo viên, huấn luyện viên yoga chia sẻ: Ngày chúng tôi còn nhỏ, không cần điện thoại thông minh, không cần internet, vẫn có thể hẹn nhau đi chơi; không cần phải đi du lịch sang chảnh rồi chụp hình đăng Facebook, chúng tôi vẫn có những cuộc gặp mặt đơn giản nhưng ấm áp. Bây giờ thời 4.0, kết nối dễ dàng nhưng qua loa, trống rỗng; muốn ngồi trực tiếp cùng nhau ngày càng khó vì ai cũng bận bịu. Lâu dần tôi cứ làm mọi việc một mình và nhận ra điều này cũng có nhiều cái hay, nhất là được tự do tự tại, tự thấu hiểu và khám phá nhiều điều ở bản thân mình. Thi thoảng, tôi cũng đi du lịch với bạn bè, nhưng lại không thấy thoải mái như khi đi một mình.
Tình trạng một số bạn trẻ thích một mình bởi nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khách quan là xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhiều áp lực khác nhau. Áp lực về học tập, công việc, các mối quan hệ, cách cư xử giữa người với người làm cho các bạn trẻ mệt mỏi và lười giao tiếp.
Để cân bằng, họ tìm đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn, đề cao suy nghĩ của bản thân, không quan tâm nhiều tới lời nói hay ánh nhìn của người khác. Với nhiều người, lối sống này giúp họ thấy thoải mái, làm chủ cuộc sống và không bị làm phiền.
Cần cân bằng giữa một mình và kết nối
Theo các chuyên gia tâm lý, đầu tư thời gian chất lượng cho bản thân có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao khả năng sáng tạo. Tuy vậy, việc một mình quá lâu có thể dẫn đến các hệ lụy khác như ngại giao tiếp, sợ xã hội, dễ bị tổn thương, thậm chí chỉ nghĩ đến bản thân, bỏ qua trách nhiệm với xã hội...
Cuộc sống của chúng ta tuy khác biệt nhưng đều là tập hợp của những kết nối không thể tách rời. Chẳng ai có thể sống như một cá thể đơn độc mà luôn cần bước đi trong hành trình kiếm tìm, thiết lập các mối quan hệ trong cuộc sống. |
Từng tận hưởng khoảng thời gian một mình nhưng cuối cùng anh L.A.T (TX Sông Cầu) nhận ra, trong sâu thẳm, anh cũng rất cần các mối quan hệ để có thể chia sẻ. Anh T nói: “Tôi từng có quãng thời gian dài một mình và cảm thấy rất thoải mái vì không phải lệ thuộc ai. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi cảm nhận rõ sự cô đơn và muốn chia sẻ, nhưng không có ai để cùng trò chuyện. Lúc này, tôi nhận ra việc có một người bạn đồng hành thấu hiểu sẽ tuyệt vời hơn”.
Còn với L.V.C, dù vẫn dành thời gian cho bản thân nhưng anh bắt đầu kết nối nhiều hơn với những mối quan hệ quan trọng, nhất là gia đình, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết. “Tôi quen với cuộc sống một mình quá lâu nên ngày càng thu hẹp các mối quan hệ của mình lại và hầu như chỉ còn giao tiếp với gia đình, đồng nghiệp. Nhận thấy sự lo lắng của gia đình, bản thân cũng thấy mình hơi quá đà nên tôi đang có sự điều chỉnh trở lại, bắt đầu trò chuyện với bạn bè ngày trước; cân bằng giữa không gian của bản thân và không gian với bạn bè, người thân. Kết nối trở lại rồi tôi mới nhận ra, xung quanh vẫn còn nhiều mối quan hệ thân thiết tốt đẹp”, anh C cho biết.
ThS Trần Nam, giảng viên môn Truyền thông và giao tiếp (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, một số bạn trẻ hiện nay khá thụ động trong môi trường học tập, làm việc, kể cả trong cuộc sống thường ngày. Họ sống khép mình trong thế giới riêng của bản thân và rất khó để mở lòng hay kết giao với những người xung quanh. Thầy khuyến khích sinh viên dành thời gian cuối tuần cho việc ra phố, hẹn gặp bạn bè, đi nhà sách hay làm những công việc xã hội có ý nghĩa.
THÁI HÀ