Ngày 4/4, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại diện một cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THÚY HẰNG |
Các đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; Phạm Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có bà Phạm Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL (đơn vị chủ trì soạn thảo đề án); ủy ban MTTQ huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội và một số cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Đề án Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Sở VHTT&DL chủ trì. Đề án này hướng tới mục tiêu xây dựng định hướng; đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của du lịch Phú Yên...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý các nội dung như dự báo về xu hướng du lịch của thế giới và Việt Nam từ 5-10 năm tới; các nhóm sản phẩm du lịch của tỉnh có đảm bảo phù hợp với xu hướng du lịch của thế giới và Việt Nam trong thời gian tới hay không; xác định các loại hình du lịch đặc thù và các sản phẩm du lịch đi kèm để tạo thành thương hiệu riêng cho du lịch tỉnh.
Trong đó việc xác định loại hình du lịch đặc thù và các sản phẩm du lịch đi kèm cần dựa trên các tiêu chí như có sự mới lạ, độc đáo, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh và phải phù hợp với xu hướng du lịch của thế giới và Việt Nam trong tương lai; không bị trùng lặp với các địa phương lân cận; đảm bảo khả năng để phát triển lâu dài, bền vững...
Về đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực của dự thảo đề án đến người dân trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo cần phải làm rõ về lợi ích, trách nhiệm và phương thức tham gia vào quá trình phát triển du lịch của người dân; sự cần thiết trong việc nghiên cứu để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình công cộng mang tính biểu tượng như tháp Nghinh Phong để phục vụ cộng đồng và giúp phát triển du lịch tỉnh.
Đối với các vấn đề liên quan đến du lịch cộng đồng nói chung và hoạt động đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nói riêng, các đại biểu đề nghị dự thảo đề án cần bổ sung nội dung nghiên cứu và làm rõ những nguyên nhân, hạn chế khi thực hiện du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp phù hợp, đảm bảo theo quy định trong thời gian tới...
Tại hội nghị, Sở VHTT&DL đã tiếp thu các ý kiến phản biện của các đại biểu, đồng thời làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh, đây là một trong những hội nghị nhận được nhiều ý kiến phản biện từ các chuyên gia, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch, chứng tỏ sự cần thiết của đề án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý, đảm bảo sự thống nhất giữa thực trạng, định hướng, mục tiêu, giải pháp để hoàn chỉnh đề án trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo tính khả thi, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
THÚY HẰNG