Với sự phát triển của xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, cấu trúc gia đình Việt Nam đang có sự thay đổi rõ nét. Gia đình hạt nhân đang dần chiếm ưu thế so với gia đình truyền thống. Để thích ứng với sự thay đổi này, người cao tuổi cần đón nhận và có sự điều chỉnh.
Gia đình hạt nhân là xu thế tất yếu
Khi cuộc sống đổi thay, tiến bộ, những người trẻ đi học và sau đó chọn làm việc ở những thành phố lớn. Những người ít có điều kiện học hành hơn cũng ly hương để làm công nhân ở các khu công nghiệp. Cũng từ đây, các gia đình hạt nhân được hình thành và nhanh chóng phát triển về số lượng.
Theo định nghĩa của các nhà xã hội học, gia đình hạt nhân chỉ có 2 thế hệ, gồm chồng, vợ và những đứa con chưa kết hôn. Khi trưởng thành và kết hôn, những đứa trẻ rời khỏi nhà cha mẹ và thành lập gia đình riêng, tạo thành một gia đình hạt nhân mới. Các gia đình hạt nhân thường gồm 3-4 người, rất nhỏ gọn, linh hoạt, dễ thích ứng với các điều kiện sống, dễ tính toán các kế hoạch về nơi chốn ăn ở, chi tiêu, học hành… Cha mẹ trong gia đình nhỏ thể hiện tính độc lập, quyết đoán, không bị chi phối bởi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ; quan hệ vợ chồng con cái vì thế cũng bình đẳng hơn.
Học tập và sau đó ra trường, khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, anh Đinh Quốc Tuấn (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) mở một cửa hàng trang trí nội thất tại quận Gò Vấp và mỗi năm chỉ về quê một lần vào dịp tết cổ truyền. “Vợ tôi quê ở Gia Lai và chúng tôi cùng học đại học. Sau khi ra trường, hai vợ chồng quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sống riêng và xa gia đình nên thời gian đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn do áp lực kinh tế, chưa có nhiều kinh nghiệm sắp xếp công việc nhà cũng như chăm sóc con cái. Nhưng cũng nhờ đó mà vợ chồng đều nỗ lực và ngày càng độc lập hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Mỗi chúng ta, ai cũng đều được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ gia đình. Đây là nơi để các thành viên sinh sống, hỗ trợ nhau về yếu tố vật chất, tinh thần; tạo nên sự gắn kết, yêu thương và những ký ức đẹp. Dù vậy, trong xu thế phát triển hiện nay, cùng với sự vận động và biến đổi của xã hội, con cái trưởng thành sẽ có những áp lực riêng, không phải lúc nào cũng có điều kiện để sống chung, sống gần và phụng dưỡng cha mẹ. Từ việc ưu tiên phát triển sự nghiệp, coi trọng tự do cá nhân và mong muốn có không gian riêng, nhiều trải nghiệm, thỏa mãn những nhu cầu riêng tư…, người trẻ đang nỗ lực tạo lập nên không gian sống lý tưởng, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình nhỏ của mình.
Chủ động đón nhận và điều chỉnh
Có một thực tế rằng, ở các làng quê, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng già hoặc người già sống một mình vì con cái đều lập nghiệp ở xa. Thay vì để cuộc sống bị động, nhiều người đã chuẩn bị tư tưởng từ khi còn trẻ. Họ có thể thay đổi để sống cùng con cái ở thành phố hoặc phải học cách sống một mình, sống vui, sống khỏe, sống có ích ở quê nhà để bớt cô đơn. Trong tâm tư của nhiều người, họ cố gắng độc lập hết mức có thể để không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của con.
Bà Nguyễn Thị Tiến (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) có 3 con thì 2 người làm việc ở TP Hồ Chí Minh, 1 người làm việc ở Đắk Lắk. Ở tuổi gần 70, vợ chồng bà Tiến vẫn nuôi gà, trồng trọt, đan đát kiếm thêm thu nhập và không nhờ con cái ở gần chăm sóc. “Tôi nuôi các con học xong đại học, lo cho các con lập gia đình với mong muốn con có cuộc sống tốt hơn, vì vậy không mong các con bỏ công việc ở thành phố mà về quê sống với cha mẹ. Ở quê, vợ chồng già chúng tôi tự chăm nhau. Ngoài làm công việc phù hợp để trang trải phần nào cuộc sống thì hai vợ chồng cũng thường xuyên tập thể dục và ăn uống lành mạnh để về già ít bệnh tật”, bà Tiến chia sẻ.
Ở tuổi qua 60, bà Lưu Thị Ái (khu phố 2, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) đã chia mảnh đất to do hai vợ chồng mua được thời trẻ thành 5 phần. Một là căn nhà vợ chồng bà mới xây và 4 phần còn lại cho 3 con trai, 1 con gái đều đã có gia đình. Ngôi nhà do bà Ái xây được dùng làm chỗ chung đi về cho các con. Riêng vợ chồng bà về ngôi nhà từ đường cũ của gia đình chồng để trông nom hương khói vì anh chị em nhà chồng đều đã lập nghiệp và sinh sống ở xa.
“Tôi chắt chiu cả đời để chăm lo cho con và để dành một ít cho mình về già nên bây giờ các con chỉ cần lo cho gia đình nhỏ. Sau này già yếu, buộc phải về với con thì tài sản còn lại của cha mẹ sẽ đưa con để con không phải lo về tiền bạc. Con cái đã lớn, đứa nào cũng cần không gian riêng nên tôi chỉ cho ý kiến khi được các con hỏi đến. Dù vậy, tôi vẫn quan sát và giúp đỡ khi các con cần”, bà Ái chia sẻ.
Sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc đời mỗi người. Dù vậy, để có được tuổi già an nhàn, không phụ thuộc nhiều vào con cháu, các nhà xã hội học khuyến cáo, mỗi người đều nên chuẩn bị những điều kiện cần thiết khi sắp già để tuổi già không phải lo âu. Những sự chuẩn bị này bao gồm: Chuẩn bị sức khỏe để có thể tự chăm sóc bản thân, ít nhờ đến con cái; một khoản tiết kiệm để lo cho bản thân và làm những điều mình thích; có một người bạn đời đồng hành để dựa vào lúc khó khăn, đau ốm; dạy con về sự hiếu thuận để không phải khổ tâm về tinh thần trong những năm cuối đời. Tuổi già sẽ phải đến với nhiều khó khăn nhưng nếu được chuẩn bị trước, sẽ bớt đi phần nhọc nhằn.
Nghiên cứu cho thấy tuổi già thường có được hạnh phúc khi: Biết từ bi với mình, chấp nhận mình, hiểu luật vô thường của cuộc sống; có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh xuân; được tự tại sắp xếp cuộc sống theo ý riêng, không bị áp đặt; duy trì tốt các mối quan hệ gia đình, bè bạn...; sức khỏe thể chất tương đối tốt thôi, không mong lúc nào cũng như xưa được; tài chính được tự chủ; gần gũi với thiên nhiên, giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong cuốn sách “Già sao cho sướng - Để có một tuổi già hạnh phúc” |
THÁI HÀ