Những ngày giáp tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán ở các chợ tăng cao, nhiều người lấn chiếm hành lang an toàn, không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), tăng nguy cơ mất an toàn trong PCCC.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 chợ, trong đó 39 chợ kiên cố, 38 chợ bán kiên cố và 11 chợ tạm. Hầu hết các chợ được xây dựng đã lâu, bố trí nhiều ki ốt, sạp hàng liền kề, kinh doanh đa dạng mặt hàng, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, nổ.
Nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Hiện nay, công tác phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tại các chợ còn rất nhiều bất cập, nguy cơ cháy và các điều kiện dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản luôn luôn tiềm ẩn.
Qua kiểm tra cho thấy, một số nơi tự ý xây dựng thêm công trình, cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của khu vực, hạng mục trong chợ; bố trí ngành hàng kinh doanh hàng chất dễ cháy, nổ ở gần hoặc đan xen với khu vực kinh doanh hàng hóa khác hoặc đan xen với ngành hàng có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt nên nếu xảy ra cháy, đám cháy sẽ lan rất nhanh.
Phổ biến nhất là việc lấn chiếm đường giao thông dành cho chữa cháy làm nơi để ô tô, xe máy; lắp đặt mái nối giữa các khối nhà, mái che, mái vẩy để tập kết, kinh doanh hàng hóa… làm cản trở đường giao thông dành cho chữa cháy, mất khoảng cách chống cháy lan.
Vật liệu dễ bắt lửa và cháy lan (thùng xốp) chất đầy ở gần một sạp hàng quần áo chợ Phường 7. Ảnh: VĂN LANG |
Việc trang bị phương tiện PCCC & cứu nạn cứu hộ (CNCH) còn hạn chế, chưa đáp ứng quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; không bảo đảm nguồn nước cấp cho chữa cháy; không trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động hoặc đã trang bị nhưng không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng, không sử dụng được khi xảy ra cháy, dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Việc lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện chưa bảo đảm yêu cầu về an toàn PCCC theo quy định; không được bảo trì, sửa chữa định kỳ dẫn đến xuống cấp, thiếu đồng bộ; không tách riêng nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ, chữa cháy. Bên cạnh đó là tình trạng tiểu thương tự ý câu mắc thêm dây dẫn, thiết bị tiêu thụ làm tăng phụ tải; lắp đặt bảng điện, dây dẫn đặt trực tiếp trên cấu kiện, vật liệu dễ cháy…, để hàng hóa gần, đè lên ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện… tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Việc thành lập và tổ chức hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ nghiệp vụ; trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH và thiết bị bảo hộ cá nhân cho đội viên chưa bảo đảm số lượng theo quy định; chưa thực hiện phân công cụ thể nhiệm vụ và kiểm tra giám sát, dẫn đến hoạt động mang tính hình thức, không xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ.
Tại các ki ốt, kho chứa, người kinh doanh vẫn còn bố trí, sắp xếp hàng hóa vượt quá số lượng quy định, không bảo đảm yêu cầu ngăn cháy lan, lấn chiếm đường, lối ra thoát nạn, cửa thoát nạn; kinh doanh trái phép hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đun nấu tại khu vực kinh doanh không bảo đảm quy định an toàn PCCC.
Khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót
Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 11/2023, cả nước xảy ra 69 vụ cháy chợ dân sinh, ước tính thiệt hại về tài sản trên 190 tỉ đồng. Riêng 11 tháng của năm 2023 xảy ra 22 vụ cháy chợ, gây thiệt hại trên 70 tỉ đồng. Đó mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng an sinh xã hội, ngừng trệ buôn bán, chi phí khắc phục hậu quả… gấp khoảng 3 lần.
Xe máy lấn chiếm hàng lang an toàn ở chợ Phường 7. Ảnh: VĂN LANG |
Phân tích những vụ cháy lớn tại các chợ cho thấy, có đến 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ; trên 70% vụ cháy do sự cố hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC và do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp tăng cường công tác an toàn PCCC đối với chợ như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, phát động phong trào toàn dân PCCC; thành lập và tổ chức thực tập “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, đặc biệt là các mô hình gần khu vực chợ; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, đặc biệt là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định PCCC… Tuy nhiên, các cơ quan chủ quản, ban quản lý các chợ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động, không khắc phục đầy đủ các kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC dẫn đến công tác PCCC chợ vẫn còn nhiều vi phạm an toàn PCCC.
Để tăng cường công tác PCCC tại chợ, nhất là dịp tết và vào mùa hanh khô sắp tới, các đơn vị, cá nhân cần thực hiện các biện pháp, giải pháp an toàn về PCCC. Theo đó, duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại chợ có sự tham gia của người kinh doanh. Rà soát, tổ chức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm về PCCC, an toàn sử dụng điện tại cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm đường giao thông, khoảng cách an toàn PCCC. Trang bị bổ sung, thay thế các phương tiện PCCC đã hư hỏng và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC bảo đảm luôn luôn ở chế độ thường trực. Bố trí lực lượng trực PCCC ngoài giờ làm việc, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhất là thời gian cao điểm, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ.
Các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ chấp hành nghiêm nội quy, quy định an toàn PCCC chợ. Đồng thời thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC & CNCH; duy trì tự kiểm tra an toàn PCCC hằng ngày tại khu vực, phạm vi kinh doanh buôn bán, đặc biệt là việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sử dụng khí LPG, xăng dầu, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt (trước, trong và sau khi ngừng kinh doanh trong ngày) nhằm khắc phục kịp thời nếu phát hiện mất an toàn.
Khi xảy ra cháy, mọi người tìm cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114, đồng thời tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản...
Nguyên nhân chủ yếu khiến các chợ dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao là do bên trong chợ có nhiều hàng hóa và vật liệu dễ cháy như đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy… Trong khi đó, ý thức về an toàn PCCC của bà con tiểu thương chưa cao, việc sắp xếp, bố trí hàng hóa còn lấn chiếm lối và đường thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC dẫn đến tăng khả năng gây ra cháy lan, cháy lớn khi sự cố xảy ra. |
NGUYỄN THỊ KIM LOAN
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ