Thứ Tư, 27/11/2024 00:16 SA
Công tác cải cách hành chính của tỉnh tiến bộ rõ rệt
Thứ Tư, 24/01/2024 07:06 SA

Năm 2023, với những chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chung được cải thiện đáng kể, góp phần kéo gần khoảng cách để tỉnh đạt mục tiêu đến năm 2025 các chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS xếp nhóm 30 tỉnh, thành phố trong cả nước như Chương trình hành động số 12 của Tỉnh ủy đặt ra.

 

Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn xoay quanh nội dung này.

 

Ông Trương Ngọc Tuấn

* Thưa ông, năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo như thế nào trong công tác CCHC?

 

- Ngay đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt về chuyên đề công tác CCHC nhằm phân tích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và đề ra giải pháp thực hiện.

 

UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể gắn với trách nhiệm của thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị; 100% các cơ quan, đơn vị có thủ trưởng chỉ đạo trực tiếp công tác CCHC.

 

Đặc biệt, 2023 là năm đầu tiên UBND tỉnh thực hiện đánh giá định lượng kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu thông qua hệ thống bộ chỉ số và thực hiện hoàn toàn trên hệ thống phần mềm điện tử.

 

Ngày 28/12/2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá và xếp loại chất lượng hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện gắn với trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu. Đây là căn cứ quan trọng để cấp ủy, cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cấp phó các cơ quan, đơn vị.

 

* Việc khảo sát sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị như thế nào, thưa ông?

 

- Công tác điều tra xã hội học và khảo sát sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị năm 2023 được thực hiện độc lập thay vì giao cho các cơ quan, đơn vị tự khảo sát như các năm trước.

 

Việc đánh giá với sự tham gia của đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh cùng cá nhân, tổ chức có liên hệ làm việc với các cơ quan, đơn vị và được thực hiện trực tuyến trên phần mềm thông qua phiếu điện tử được thực hiện trực tiếp bằng phiếu giấy thông qua đơn vị khảo sát độc lập (Bưu điện tỉnh).

 

Điều này đã mang lại những phản ánh thực tế, khách quan, giúp các cơ quan, đơn vị có cơ sở để điều chỉnh, cải thiện những nội dung còn hạn chế, bị đánh giá thấp, chưa hài lòng.

 

* Thông qua đánh giá này, kết quả CCHC của các cơ quan, địa phương có chuyển biến như thế nào?

 

- Rõ ràng là có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, điểm trung bình CCHC của các cơ quan, đơn vị được cải thiện đáng kể, trung bình là 82,22%, tăng 7,6% so với năm 2022 (74,62%); không còn cơ quan, đơn vị có chỉ số CCHC xếp loại yếu.

 

Khối huyện đã có sự bứt phá mạnh mẽ: 8 địa phương xếp loại tốt, 1 địa phương xếp loại khá (năm 2022 không có địa phương nào xếp loại tốt, chỉ 5 địa phương xếp loại khá và 4 địa phương xếp loại trung bình).

 

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí chung của cả tỉnh được cải thiện đáng kể. Đó là tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt hơn 97% (năm 2022 là 88%); tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 73,15% (năm 2022 là 58%); tỉ lệ thanh toán trực tuyến đạt 46% (năm 2022 chỉ 3,9% ); tỉ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 26% (năm 2022 chỉ 9,46%).

 

Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp (đánh giá theo Quyết định 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tính đến 25/12/2023, Phú Yên đạt 73 điểm, tăng 24,62 điểm so với năm 2022, xếp 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2022 là 48,38 điểm, xếp 61/63 tỉnh, thành phố). Đây là những con số khẳng định công tác CCHC của tỉnh đã có tiến bộ rõ rệt so với năm 2022.

 

Người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa TX Sông Cầu. Ảnh: THÙY THẢO

 

* Vậy còn những nội dung nào chưa được cải thiện và có khả năng mất điểm?

 

- So với thực tế, còn một số nội dung chưa được cải thiện và khả năng mất điểm nhiều như: Tỉ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn còn cao, nhất là trong lĩnh vực đất đai; chưa thực hiện khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa; chưa kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo quy định; chưa đồng bộ chuẩn hóa và dữ liệu trên các cổng dịch vụ công.

 

Việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin còn chậm, tiến độ xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử chưa đạt nhiều nội dung, yêu cầu của Chính phủ.

 

Thực tế cũng cho thấy, cơ quan, đơn vị nào có người đứng đầu nêu gương, quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó công tác CCHC có chuyển biến rõ rệt. Các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác CCHC.

 

Chính sự thiếu đồng bộ, hạn chế trong triển khai thực hiện và sự thiếu quyết liệt của người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả CCHC chung của cả tỉnh mà rõ rệt nhất là phản ánh qua các chỉ số liên quan đến CCHC.

 

* Theo ông, đâu là những giải pháp căn cơ đặt ra trong năm 2024?

 

- Trước hết, tỉnh phải quan tâm nhiều hơn, dành khoản kinh phí thích đáng để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công vụ, phục vụ CCHC, đặc biệt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa các cấp, ít nhất phải trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cần thiết để giải quyết công việc tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

 

Tăng cường thông tin hướng dẫn và tuyên truyền công tác CCHC để người dân, doanh nghiệp nhận thức tầm quan trọng của CCHC nhà nước; ủng hộ, đồng hành và giám sát thúc đẩy thực hiện CCHC, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

 

Từng cơ quan, đơn vị phải rà soát sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; rà soát xây dựng và chuẩn hóa quy trình nội bộ đối với tất cả các nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm từng cá nhân cụ thể. Trong từng bước, từng quy trình xác định thời gian hoàn thành cụ thể đối với chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cấp sở, UBND huyện,…

 

Trong tổ chức thực hiện phân công nhiệm vụ, phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”; cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với từng công đoạn, quy trình giải quyết công việc. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong từng ngành, lĩnh vực gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành và chính quyền địa phương.

 

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực CCHC, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục chủ động tham mưu giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng nội dung, lĩnh vực CCHC để các cơ quan, đơn vị thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh.

 

Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức về CCHC để thay đổi tư duy và nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu CCHC của từng cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ, việc chấp kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở, nhất là các bộ phận trực tiếp tiếp xúc, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp.

 

* Xin cảm ơn ông! 

 

Thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào có người đứng đầu nêu gương, quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó công tác CCHC có chuyển biến rõ rệt.

 

THÙY THO (thc hin)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek