Chuyển đổi số (CĐS) là cơ hội lớn để phụ nữ tiếp cận thông tin, nắm bắt các cơ hội và tạo ra giá trị mới… Vì vậy, thúc đẩy CĐS trong công tác hội phụ nữ, trong mỗi cá nhân cán bộ, hội viên là nhiệm vụ được các cấp hội tập trung thực hiện, qua đó nâng cao hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ địa phương.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh tuyên truyền việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cấp hội cho cán bộ phụ nữ trong tỉnh tại một hội nghị tổ chức ở TP Tuy Hòa. Ảnh: THÁI HÀ |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Dấu ấn trên hành trình CĐS có thể thấy được ngay từ trang facebook mang tên Phụ nữ Phú Yên do Hội LHPN tỉnh thành lập. Bởi chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, hội viên có thể nhanh chóng cập nhật nhiều thông tin bổ ích, từ chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đến các hoạt động truyền cảm hứng để cổ vũ hội viên phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp và cả bình chọn các cuộc thi trực tuyến… Trên trang facebook, các hình ảnh cũng được thiết kế đồ họa mới mẻ, sáng tạo, gợi cảm xúc và truyển tải thông điệp, tạo ấn tượng cho người xem.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Xác định khâu đột phá “Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động hội”, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã chủ động tiếp cận tiến bộ công nghệ, kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy tính và điện thoại thông minh, giúp hoạt động hội ngày càng hiệu quả.
Cụ thể, hội LHPN các cấp tăng cường họp trực tuyến, sử dụng văn bản điện tử, trao đổi thông tin qua các trang mạng xã hội; số hóa nhiều nội dung truyền thông, thông tin tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, fanpage, các nhóm zalo, facebook…
Tính đến nay, toàn tỉnh thành lập 110 fanpage phụ nữ, trên 120 nhóm kín zalo. Nhiều cuộc thi, hoạt động, sự kiện được tổ chức phát động, bình chọn và livestream trên fanpage phụ nữ các cấp. Nhiều mô hình hay, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm của hội nhanh chóng được lan tỏa rộng khắp.
Trong đó, việc thành lập các nhóm zalo trong hệ thống hội đã tạo sự kết nối, tương tác giữa các cấp hội, giữa tổ chức hội với hội viên và là cánh tay nối dài của tổ chức hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của hội viên.
Bà Châu Thị Hồng Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) khẳng định: Việc thành lập facebook, nhóm zalo đã thay thế phương thức quản lý các hoạt động công tác hội truyền thống, qua đó giúp triển khai thực hiện kịp thời, nhanh chóng các thông tin, chỉ đạo của hội cấp trên và của các cấp, các ngành. CNTT cũng đã giúp cho việc cập nhật thông tin của hội viên kịp thời, nhanh chóng; giúp chị em gắn kết qua các phong trào cũng như học hỏi, giúp đỡ nhau làm kinh tế thông qua các kết nối mạng xã hội.
Thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2024
“Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm chủ đề trọng tâm trong hoạt động năm 2024.
Trước đó, nhằm tập trung thực hiện chủ đề năm 2023 và khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT”, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội, 1 lớp tập huấn về phổ biến giáo dục pháp luật trên không gian mạng, 1 lớp tập huấn kỹ năng mềm về hành động phụ nữ trên hành trình CĐS với chủ đề “Nâng cao kỹ năng công nghệ số” cho cán bộ hội LHPN cấp huyện, xã. Đến nay, 100% cán bộ hội chuyên trách cơ sở sử dụng thành thạo phần mềm quản lý hội viên.
Tại hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, Hội LHPN tỉnh tổ chức phát động trong các cấp hội thực hiện chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”. Theo đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành; tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động, nhất là các hoạt động truyền thông, định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị thẩm mỹ cho hội viên, phụ nữ; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng xã hội hưởng ứng cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội”; tích cực tham mưu, đề xuất trang bị đủ máy tính làm việc cho hội LHPN cơ sở khó khăn; tập trung tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho hội viên, phụ nữ.
Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh cũng giao các chỉ tiêu cụ thể đến các cấp hội như: 100% cấp huyện và cấp cơ sở triển khai thực hiện chủ đề năm gắn với khâu đột phá “Ứng dụng CNTT trong hoạt động” đạt kết quả; 100% hội LHPN cấp xã phối hợp với các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương tổ chức ít nhất 1 hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho hội viên, phụ nữ; 100% cấp huyện và 40% cấp cơ sở mỗi tháng có ít nhất 1 bài tuyên truyền trên fanpage…
Ứng dụng CNTT hướng đến CĐS đã và đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động hội cũng như sự phát triển của phụ nữ. Để triển khai hiệu quả chủ đề năm 2024 và cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Đào An Xuân cho biết Hội LHPN tỉnh sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức cuộc thi phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, chú ý hướng đến hội viên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vì đây là nhóm phụ nữ đặc thù, còn nhiều khó khăn. “Cuộc thi này sẽ giúp cán bộ hội các cấp có kỹ năng, ứng dụng CNTT thành thạo, giúp công tác hội được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở một cách nhanh chóng và kịp thời”, bà An Xuân cho biết.
Với những hoạt động cụ thể, thiết thực trong thời gian qua của Hội LHPN tỉnh, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong hệ thống hội từ tỉnh đến cơ sở đã dần hòa mình vào quá trình CĐS, thay đổi nếp nghĩ, cách làm; phát huy sự chủ động, sáng tạo trong lao động, công tác hội.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ