Trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông và vùng biển Vịnh Hòa (TX Sông Cầu), nhiều người tự ý lấn chiếm mặt nước, thả bè nổi nuôi hàu làm thức ăn cho tôm hùm.
Việc này gây cản trở ghe thuyền đi lại và ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân địa phương, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đầm, vịnh.
Qua cầu Bình Phú, nhìn cảnh bè nổi nuôi hàu thả ken dày trên mặt đầm Cù Mông, ông Bùi Văn Thảo, một người dân ở xã Xuân Cảnh cảm thán: Bè nổi nuôi hàu như trận đồ bát quái như thế này ban đêm bơi sõng đi thả lưới, thả lờ rất khó, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân sống ven đầm.
Còn ở vịnh Xuân Đài địa phận xã Xuân Phương, nhiều người kết bè tre nổi nuôi hàu, trong đó có ông Trần Văn Hùng. Ông Hùng cho hay: Nuôi hàu chủ yếu để làm thức ăn cho tôm hùm nên ở đây nuôi bè cặp, bè nuôi hàu đi liền với bè nuôi tôm hùm. Mỗi bè nuôi hàu, sau 3 tháng là cho thu hoạch, giảm được 3-4 triệu đồng tiền thức ăn cho tôm.
Ông Trần Văn Trung ở phường Xuân Đài huy động công gia đình ra đập hàu cho tôm hùm ăn. Theo ông Trung, với tôm hùm còn nhỏ, ông cho ăn hàu ruột đã bóc tách, còn khi tôm đã lớn chỉ cần đập nát vỏ là tôm hùm tự rút ruột để ăn.
Khu vực Bãi Trước (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh) thuộc vùng biển Vịnh Hòa, nhiều đống dây bao, dây cước ngổn ngang cùng những đống vỏ hàu chất cao sau khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tâm, một người dân ở làng biển này nói: Vỏ hàu rất bén, nếu giẫm phải dễ bị đứt chân. Dọc vùng biển này đi đâu cũng thấy vỏ hàu chất đống trên bờ. Đó là chưa kể ốc, cua, ghẹ được xe đông lạnh chở từ các nơi đến bán lại cho người nuôi tôm hùm, bỏ vỏ xác quanh đầm, vịnh.
Ông Phan Văn An, một người bán thức ăn cho tôm hùm ở TX Sông Cầu cho biết: Hằng ngày có từ 20-30 xe container chở thức ăn cho tôm hùm, mỗi xe chở 50 tấn ốc cháy, ốc bươu, hàu, vẹm... cung cấp cho người nuôi. Ngoài ra còn có các xe tải nhỏ chở thức ăn cho tôm đi bỏ dạo. Những vỏ ốc, vỏ hàu, cua, ghẹ... ngày càng xâm lấn đầm, vịnh gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Công ở phường Xuân Thành thì cho hay: Mồi cá thì dễ cho tôm hùm ăn. Nhưng để đổi món, nhiều người chuyển sang cho tôm ăn mồi từ ốc, cua, ghẹ. Trước đây nuôi tôm trong lồng, trước khi cho chúng ăn phải làm sạch mồi, lựa bỏ vỏ, chỉ lấy ruột rồi đổ xuống miệng ống nhựa.
Từ mặt nước thức ăn theo đường ống xuống lồng tôm. Nay nuôi tôm trong ô bằng cước, mỗi ô có cửa cho ăn dài 5m, rộng 1m. Khi cho tôm ăn xong, người nuôi lặn xuống từ cửa ô này cào vỏ ốc, cua, ghẹ… dồn xuống rốn ô, tống ra ngoài. Vậy nên dưới đáy vịnh, những đống vỏ hàu, ốc, cua, ghẹ ngày càng cao dần như cù lao chìm. Những người thường xuyên lặn biển như tôi mới phát hiện được.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, vùng nuôi tôm ở TX Sông Cầu hiện có 2.018 bè nổi với gần 90.000 ô/lồng nuôi trồng thủy sản. Với số ô/lồng nuôi nhiều như hiện tại, hằng ngày người nuôi trút xuống vịnh trên 2.000 tấn thức ăn. Vì vậy, phần vỏ và thức ăn thừa tồn đọng trong đầm, vịnh vô cùng lớn. Ngoài ra, mỗi lần rửa mồi nuôi tôm, nước bẩn túa ra vịnh, lâu ngày đóng bợn, rong nổi lên bám dày dẫn đến nguồn nước ô nhiễm.
MẠNH HOÀI NAM