Chồng vô tâm, là một vết thương lòng khiến người vợ cảm thấy tổn thương và mất niềm tin vào tình yêu. Vậy, khi cảm thấy mệt mỏi vì chồng vô tâm, người vợ cần làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình?
Độc thân… bên chồng
Chịu đựng, mặc kệ nhau là những cách ứng xử thường thấy của những người vợ có chồng vô trách nhiệm, vô tâm... Ở các gia đình này, dù chưa đến mức phải ly hôn vì tình chưa cạn, nhưng không ít người vợ sống vật vờ hoặc chìm trong đau khổ và dần cạn sức.
Mấy ngày qua, chị N hàng xóm của tôi thường gào lên tranh cãi với chồng. Chị gào đến ngày thứ 3 thì không còn nói ra hơi. Người trong khu bảo nhau, chị cứ sống thế này chẳng mấy chốc mà trầm cảm. Mà có một người chồng như chị đúng là dễ trầm cảm thật!
Còn nhớ, những ngày đầu chị N chuyển tới, cả xóm đã thấy người chồng bất ổn vì ngoài vài giờ dạy nghề mỗi ngày, anh chồng nằm dài trên giường và không động tay vào bất kỳ việc gì. Buổi sáng, chị N tranh thủ dậy sớm, tất bật cơm nước, cho hai đứa con ăn sáng, nấu sẵn cơm trưa, chở con đến trường rồi đi làm.
Trưa, chồng dậy đi đón hai con về ăn cơm rồi hai đứa nhỏ tự chơi. Chiều chị N về tất bật dọn nhà cửa, nấu cơm, tắm cho con, giặt giũ, phơi phóng, hướng dẫn con học bài. Dù vậy, mọi người chỉ thấy chị im lặng làm việc, thi thoảng nhắc chồng ở nhà phơi giùm quần áo.
Gần đây, ba mẹ chị N ở huyện Phú Hòa mất, anh em trong nhà bán đất. Thương chị N là em út vất vả nên gia đình chia phần nhiều hơn. Thấy có tiền, chồng chị N chuyển từ nằm ườn sang ăn nhậu. Từ những điều chị vợ nói trong lúc mất bình tĩnh, cả xóm mới biết trước giờ, chồng chị N đi làm chẳng mang về nhà được đồng nào; có bao nhiêu tiền đều phung phí bên ngoài, không lo nghĩ cho gia đình, cho vợ con, chỉ ích kỷ lo cho bản thân. Vì chồng không đóng góp, mọi chi phí một mình chị N gánh vác.
Còn vợ chồng chị H (TP Tuy Hòa) quen nhau thời sinh viên, có công việc ổn định rồi kết hôn. Hai đứa con lần lượt ra đời, hạnh phúc gia đình chị thêm viên mãn. Dù người ngoài nhìn vào thấy gia đình chị ấm êm nhưng chị H lúc nào cũng cảm thấy ức chế. Mới đây, chị chuyển lên tầng trên ở, cách chồng ra vì nhìn thấy chồng là chị thấy bực bội.
“Chồng tôi ghiền ăn nhậu đến mức đi làm về bỏ xe máy ở nhà đạp xe đi nhậu. Mà nhậu mỗi tháng 30 ngày thì thời gian đâu trò chuyện với vợ, chỉ bảo con học hành. Đã vậy, chồng chỉ đưa 4 triệu đồng/tháng, mọi chi phí một mình tôi bươn chải từ làm việc cơ quan đến buôn bán thêm. Sau nhiều bất mãn, tôi suy nghĩ và muốn sống một mình cùng con”, chị H tâm sự.
Hành động quyết liệt để thay đổi
Chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân đẩy người phụ nữ trở thành single mom trong hôn nhân. Có thể do người chồng không có khả năng kiếm tiền nên dồn gánh nặng lên vai vợ. Người vợ chủ động tài chính và nuôi dạy con nên đẩy chồng ra khỏi vai trò làm cha. Hoặc do người đàn ông giống như chồng chị N, từ chối trách nhiệm của mình với vợ con.
Dù vậy, không phải người chồng nào cũng “hết thuốc chữa”, vì trên thực tế, vẫn có những chị hành động quyết liệt để thay đổi tình trạng và tìm lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình mình.
Chị D (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) kể, sau khi cưới 10 năm, chồng chị ngày nào tan làm cũng đi nhậu đến khuya. Một mình chị vừa phải buôn bán ở chợ, vừa đưa rước hai con đi học chính khóa, học thêm, rồi tối kèm các con học bài. Chị khuyên chồng nhiều lần, nhưng anh hứa rồi vẫn đi miệt mài, để mọi việc trong ngoài cho chị D lo liệu. Không dừng lại ở đó, năm trước, anh Kh về báo nợ hơn 500 triệu đồng và nài nỉ chị D vay mượn để trả nợ vì tiền này, anh rút tài khoản công ty chơi cá độ đá banh, nếu không trả đúng hạn sẽ bị vướng vào lao lý.
Sau thời gian chịu đựng người bạn đời, chị D quyết định làm tới một lần cho ra lẽ. Chị D nói chuyện thẳng thắn yêu cầu hoặc chồng thay đổi để cùng làm việc nuôi con, trả nợ hoặc ly hôn. Nếu ly hôn nhà bán ra trả nợ, còn bao nhiêu thì chia đôi; hai con chồng nuôi, chị không cần tranh giành.
“Tôi nói rằng bao năm tôi khổ vì gia đình này rồi, giờ là lúc phải sống cho bản thân. Tôi ly hôn rồi thì ở đâu vẫn sống tốt, không còn phải chịu đựng. Tôi giao hẹn, trong thời gian ngắn nếu việc ăn nhậu vẫn lặp lại, đỏ đen vẫn không bỏ thì tôi sẽ nộp đơn lên tòa, đơn phương ly hôn”, chị D chia sẻ.
Từ sau ngày ra tối hậu thư đó, anh Kh đã thay đổi rõ rệt. Tần suất ăn nhậu giảm dần. Ngoài làm kế toán tại công ty, buổi tối anh ra biển kéo lưới để kiếm thêm thu nhập, thời gian rảnh ở nhà chăm lo cho con.
Anh Kh chia sẻ: “Tôi có giai đoạn trượt dài. Phải đến khi vợ kiên quyết ly hôn, tôi mới thấy mình không thay đổi thì gia đình sẽ tan vỡ. Đây là điều tôi không mong muốn và tôi cũng đang cố gắng hết sức để sửa chữa lỗi lầm”, anh Kh cho biết.
Nhiều người vợ đồng ý rằng, những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống chính là lý do gây rạn nứt gia đình nhiều nhất. Và điều đó có lỗi một phần do người vợ yếu lòng nên hay cho qua, hay chịu đựng những chuyện nhỏ. Vì vậy, người vợ cần điều chỉnh ngay bằng cách thẳng thắn chia sẻ, không dung túng bỏ qua những thói xấu của chồng. Bằng cách hành xử khôn khéo nhưng quyết liệt, chị em có thể thay đổi tình trạng để xây dựng lại mối quan hệ gia đình theo hướng tích cực.
Nhiều chị em muốn được chồng quan tâm nhưng lại không nói ra mà muốn chồng tự hiểu, nếu chồng không hiểu theo ý mình thì đánh giá là chồng vô tâm. Do vậy, muốn trị tính vô tâm của chồng, chị em không nên để chồng tự hiểu, hãy thẳng thắn trao đổi những điều mình muốn để chồng nắm bắt.
Thạc sĩ Khoa học giáo dục và chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh, Học viện Minh Trí Thành |
THÁI HÀ