Phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ, nhất là trong gia đình, bởi họ chính là người vun vén, giữ lửa hạnh phúc từ những điều bình dị nhất.
Chăm lo từ những điều bé nhỏ
Để gia đình thực sự là tổ ấm vững bền, tất cả thành viên phải cùng nỗ lực. Dù vậy, người phụ nữ với thiên chức của mình luôn là ngọn lửa ấm kết nối các thành viên, giữ gìn và nhân lên hạnh phúc.
Chị Lê Thị Nguyên Thảo, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa lấy chồng quê Nghệ An. Gia đình chồng chị chuyển vào sinh sống tại Đắk Lắk. Chồng chị Thảo về quê vợ lập nghiệp nên lối sống, thói quen ăn uống có nhiều khác biệt. Biết vậy, chị Thảo trong những lần về Đắk Lắk đều nhờ mẹ chồng khi thì làm cà muối xổi, khi thì măng muối, mắm tôm, mắm tép để sẵn trong nhà. Hằng năm, công việc bận rộn nhưng dịp lễ tết hay gia đình có việc, chị sẽ đưa cả nhà về thăm ông bà.
“Gia đình tôi làm kinh doanh nên rất bận rộn. Để sắp xếp công việc hợp lý, tôi luôn chủ động gợi chuyện, hỏi thăm công việc của chồng, nhắc các con học bài, quan tâm đối nội, đối ngoại hai bên cha mẹ và bạn bè. Với chồng, tôi rất biết ơn vì gia đình anh ấy có điều kiện tốt, nhưng vì thương vợ nên ảnh vui vẻ cùng vợ về Phú Yên khởi nghiệp. Đổi lại, tôi cũng quan tâm, chăm sóc chồng, tập nấu những món chồng thích; quan tâm cha mẹ và anh em phía nội để chồng không cảm thấy lạc lõng khi xa quê”, chị Thảo chia sẻ.
Kết hôn hơn 15 năm cũng là từng ấy năm, chị Nguyễn Thị Linh (tiểu thương chợ Phường 7, TP Tuy Hòa) chịu thương chịu khó, cùng chồng kề vai sát cánh, không ngừng học hỏi để phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống gia đình ấm no.
“Ngày con còn nhỏ, chồng tôi đi làm thợ xây ở TP Hồ Chí Minh nên mọi việc trong nhà đều một tay tôi lo liệu vẹn toàn. Đến khi con cái lớn hơn, tôi bắt đầu chia việc nhà để con tập làm cho quen và mình cũng có thời gian rảnh để nạp lại năng lượng. Dù công việc bận rộn nhưng mỗi tuần tôi đều cố gắng dành 3 buổi để tập thể dục thể thao, giữ gìn sức khỏe với hội chị em trong chợ. Tôi quan niệm rằng, muốn hạnh phúc, muốn chăm lo tốt cho gia đình thì bản thân phải khỏe mạnh, phải tích cực”, chị Linh chia sẻ.
Không chỉ chị Thảo, chị Linh mà ngày nay, nhiều phụ nữ đã và đang thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp nối truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của lớp phụ nữ đi trước, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, phụ nữ đã và đang tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Nỗ lực làm kinh tế
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Điểm ở thôn Trường Thành, xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) là hộ khó khăn trong thôn. Cả nhà chị trông vào 5 sào ruộng, một ít gà, heo để làm sinh kế. Đầu năm 2010, gia đình chị vay vốn chính sách mua 6 con dê cái về nuôi giống. Nhờ tận dụng lợi thế có sẵn tại địa phương, như: cỏ, lá cây rừng làm thức ăn cho dê nên chị không tốn nhiều chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, chị Điểm còn thường xuyên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng trị bệnh cho dê, giúp đàn dê phát triển tốt, sinh sản đều, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ thành công của đàn dê, chị Điểm tìm hiểu phát triển các đối tượng nuôi khác như bò, gà, vịt, chim cút và trồng thêm keo lai, cao su. Hiện gia đình chị duy trì nuôi 1.000 con gà, 2.000 con vịt, 3.000 con chim cút; 15 con bò, 40 con dê. Mô hình chăn nuôi xoay vòng tự cung cấp con giống ngay tại gia đình; trồng cỏ, rau xanh, các loại sắn, bắp để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn vật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công việc nhiều, nên ngoài công lao động của gia đình, chị Điểm thuê thêm 2 nhân công làm việc thường xuyên, bình quân mỗi lao động có mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, trả công lao động, gia đình chị Điểm lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/năm. Nhờ kinh tế gia đình khá, chị có điều kiện chăm lo cho các con học tập tốt; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Nói về những nỗ lực của chị Điểm, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Thành Đông cho biết: Từ một hộ nghèo, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Điểm đã vươn lên hộ khá, xây dựng nhà khang trang, chăm lo các con học tập tốt. Những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của chị Nguyễn Thị Điểm là tấm gương điển hình để chị em địa phương học tập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Cuộc sống không ngừng vận động và người phụ nữ thời hiện đại phải chịu rất nhiều áp lực. Dù vậy, bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và nỗ lực tuyệt vời, chị em vẫn đang nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành cùng lúc nhiều vai trò. Họ vừa là những chiếc lạt mềm buộc chặt, những ngọn lửa hồng sưởi ấm hạnh phúc gia đình vừa năng nổ làm kinh tế, cùng chồng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng xã hội và gia đình hạnh phúc, cùng với sự nỗ lực của chính bản thân, chị em rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình để vươn lên, xứng đáng với phẩm chất cao quý: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để tiếp tục nâng cao vị thế, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ