Gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của con cái. Vì vậy, những người làm cha làm mẹ cần quan tâm đúng mức, là người bạn đồng hành quan trọng nhất của con trong quá trình trưởng thành.
Cha mẹ là những người ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển nhân cách của con cái. Ảnh: THIÊN LÝ |
Dạy dỗ con cái không hề dễ dàng. Sinh con, nuôi dưỡng con trưởng thành là cả chặng đường dài đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng mang lại nhiều niềm hạnh phúc và trải nghiệm thú vị.
Thương cho roi, cho vọt
Anh Phan Xuân Thanh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Là cha mẹ, ai chẳng yêu thương con, nhưng “thương cho roi cho vọt”, không nên chiều chuộng quá dễ khiến con ỷ lại, sinh hư. Theo tôi, cha mẹ không nên thỏa mãn tất cả đòi hỏi của trẻ, mà cần giúp trẻ hiểu được mối liên hệ giữa hưởng thụ và lao động, giáo dục con cách chi tiêu tiết kiệm phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình, đồng thời nhắc nhở con biết quý trọng đồng tiền từ công sức của cha mẹ”.
Quan niệm như vậy nên vợ chồng anh Thanh luôn là người bạn đồng hành, cùng vui với niềm vui của con và cùng chia sẻ những lúc khó khăn, nhưng cũng rất nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái. Không phải vì để con bằng bạn bằng bè mà nuông chiều bằng cách mua những thứ không cần thiết khi con đòi hỏi.
Là mẹ của hai đứa con, chị Lê Thị Thanh Lam ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) bày tỏ: Với tôi, gia đình luôn là nơi bình yên nhất. Đó là nơi gửi gắm, nuôi dưỡng những ước mơ, giáo dục cho các con về cách đối nhân xử thế. Các con sẽ được cha mẹ, ông bà dạy những thói quen sinh hoạt, nề nếp trong việc ăn, ngủ, học hành, vui chơi... và cả cách xưng hô lễ phép với các thành viên trong gia đình và mọi người. Hơn hết, gia đình là môi trường gần gũi nhất gắn kết tình cảm cha mẹ và các con, từ đó giúp cha mẹ nắm bắt được hành vi sai trái của các con để kịp thời uốn nắn.
“Cho dù sau này các con trưởng thành thì khi về nhà vẫn là con của mình, không được quên đi cội nguồn và phải giữ nếp nhà. Đây là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình”, chị Lam nói.
Làm gương cho con cái
Trong thời đại mới, nhiều cặp vợ chồng mải miết với cơm áo gạo tiền và những nhu cầu khác mà không dành đủ thời gian bên con và cho con, tất sẽ dẫn đến những hệ lụy. Các nhà giáo dục đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái của không ít gia đình hiện nay. Không chỉ không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng, sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình còn là sự tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức; phó thác việc dạy con thành người tử tế trước khi thành “ông nọ bà kia” cho lực lượng khác ngoài gia đình đã khiến vai trò và bổn phận của cha mẹ trong giáo dục con cái trở nên mờ nhạt.
Cố GS Văn Như Cương từng nhìn nhận: Thực tế cho thấy, do tâm sinh lý lứa tuổi, sự thiếu chăm sóc của gia đình, thiếu tu dưỡng bản thân và cả những cám dỗ từ môi trường sống..., nhiều học sinh mới hôm qua còn khoác đồng phục tới trường, hôm nay đã biến thành nghi can của những vụ trọng án. Vì vậy, từ đứa trẻ vô hại đến tội phạm vị thành niên, con đường hoàn toàn có thể rất ngắn, nếu nhà trường, xã hội, nhất là gia đình đều chưa ý thức rõ rệt vấn đề giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ.
Còn theo ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), trong tâm thức của người Việt, gia đình là cái nôi sinh thành, để lại dấu ấn dưỡng dục không thể phai mờ trong suốt cuộc đời. Để con cái nên người, trước hết cha mẹ phải là tấm gương soi, gương mẫu trong từng lời nói, hành động, lối sống. Trong cuộc sống, dù lo toan với chuyện cơm áo gạo tiền, cha mẹ vẫn nên dành thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con.
“Để giáo dục con cái, thay vì cố gắng lý luận, tốt hơn là nên chuyển đối tượng giao tiếp sang người bạn đời và đưa việc giáo dục vào sự tương tác hằng ngày giữa vợ chồng, bởi cha mẹ là đối tượng con cái dễ bắt chước và học hỏi nhất. Mỗi cuộc trò chuyện giữa vợ chồng ở nhà sẽ để lại dấu ấn trong lòng con cái. Nội dung cuộc trò chuyện giữa cha mẹ sẽ quyết định thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị sống của những đứa con”, ThS Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.
THIÊN LÝ