Thứ Sáu, 29/11/2024 06:40 SA
Đồng hành với người yếu thế
Thứ Tư, 06/09/2023 10:17 SA

Chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần (NTT), trẻ em tự kỷ và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là chương trình đồng hành với người yếu thế góp phần bảo đảm an sinh xã hội đã và đang được các cấp, ngành, địa phương tích cực thực hiện.

 

Người tâm thần, rối nhiễu tâm trí được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI

 

Giảm bớt khó khăn

 

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó có 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần, số còn lại chưa xác định được dạng tật cụ thể. Chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻem tự kỷ và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 nhằm tạo điều kiện cho NTT và người rối nhiễu tâm trí sớm tái hòa nhập cộng đồng, giúp gia đình của họ giảm khó khăn.

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Do áp lực cuộc sống, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và nhiều nguyên nhân khác nên số người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Nhằm trợ giúp, chăm sóc phục hồi chức năng cho NTT, tỉnh đã triển khai các chính sách như cấp thẻ bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí... Tuy nhiên, việc quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh cho NTT, nhất là những trường hợp bệnh nặng rất khó khăn cho gia đình và xã hội.

 

Em Võ Ngọc Duy ở xã An Định (huyện Tuy An), nhiều năm vất vả nuôi người cha bị tâm thần, chia sẻ: “Gia đình em rất nghèo. Hằng ngày ngoài giờ đi học, em phải lo cho gia đình, chăm sóc cho cha. Nhờ các cấp chính quyền, hội đoàn thể và những tấm lòng hảo tâm cưu mang, hỗ trợ, gia đình em mới bớt khó khăn”.

 

Được tập huấn về chăm sóc sức khỏe cho NTT do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức dành cho các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở, chị Phạm Thị Tuyết Nhi, cộng tác viên công tác xã hội xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) bày tỏ: Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi được giảng viên cung cấp các thông tin, kiến thức cơ bản về bệnh tâm thần, đặc biệt là cách chăm sóc, kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc người bệnh... Qua đó, tôi có thêm kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình tiếp cận, chăm sóc NTT ở cơ sở.

 

Huy động nhiều nguồn lực

 

Theo bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội), hiện nay tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10,5% dân số, tương đương 10,3 triệu người. Trong đó, số NTT nặng chiếm 2,5%, tương đương 200.000 người. Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy... “Trong khi đó, hiểu biết của người dân và gia đình về NTT, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế, hầu như không có khả năng để giúp đỡ NTT phục hồi sức khỏe”, bà Lan nói.

 

Xác định được những khó khăn trên, thời gian qua, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh còn thực hiện tốt các đề án, chương trình về trợ giúp NTT, người rối nhiễu tâm trí.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻem tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Chương trình tạo cơ hội cho những đối tượng này hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội. Chương trình cũng nhằm huy động sự tham gia của xã hội để tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng, giúp họ ổn định cuộc sống. Đồng thời giúp sàng lọc, phát hiện, hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với NTT, rối nhiễu tâm trí.

 

“Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu, mỗi năm có ít nhất 80% NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻem từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm. Các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội đối với NTT, người rối nhiễu tâm trí; xem xét, tạo điều kiện cho hộ gia đình có NTT, người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí...”, bà Hiền cho biết. 

 

Toàn tỉnh phấn đấu, mỗi năm có ít nhất 80% NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm. Các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội đối với NTT, người rối nhiễu tâm trí; xem xét, tạo điều kiện cho hộ gia đình có NTT, người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Thị Minh Hiền

 

HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek