Trong cái nắng vào hè bắt đầu gay gắt, cũng là lúc người dân Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) vào mùa thu hoạch sắn, mía, hai loại cây trồng chính ở xã vùng cao này. Dọc tuyến ĐT 647 ngang qua 5 thôn của xã, nhiều nhà phơi sắn trắng cả sân vườn. Còn hai bên dòng sông Kỳ Lộ, ruộng mía trải dài nối tiếp núi đồi đang chín tới như vẫy chào, thúc dục mọi người ra đồng.
Đó đây những lò nấu đường thủ công khẩn trương hoạt động toả mùi mật mía ngọt ngào. Quả thật, chưa năm nào cây mía, cây sắn đem lại niền vui cho người dân Xuân Quang 1 như năm nay.
Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 Tạ Đức Kính đưa tôi qua các thôn, đến các cánh đồng mía giới thiệu những chuyển động mới của quê nhà. Ông Kính cho biết, trong số hơn 1.300 ha đất canh tác nông nghiệp trong xã, vụ này bà con trồng được 720 ha mía và 350 ha sắn. Riêng cây mía khá tốt, đạt bình quân trên 50 tấn/ha. Nhờ giá mía tăng “đột biến” gấp rưỡi so với năm trước nên năm nay tính ra mỗi ha mía, người dân thu lãi từ 12 đến 15 triệu đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà bà con có được trong nhiều năm trở lại đây.
- Thế còn cây sắn? “Cũng có lãi khoảng 7- 8 triệu đồng/ha.” Ông Kính nói tiếp: “Nhưng cây sắn bà con chỉ trồng trên loại đất đồi dốc, còn đất bằng phẳng đều đưa vào trồng mía để có thu nhập cao hơn.”
- Còn cây thuốc lá Kỳ Lộ từng nổi tiếng, nay ra sao? “Đầu năm nay, công ty thuốc lá Khánh Hoà có đến bàn khôi phục lại cây thuốc lá. Bước đầu, đơn vị này đã hỗ trợ cho bà con trồng được 30 ha thuốc lá vàng và xây dựng 5 là sấy”. Ông cho biết thêm: “Đây là loại cây trồng rất triển vọng, sản xuất 3 vụ/năm và cho thu nhập 50 triệu đồng/ha nên cũng được bà con quan tâm.”
Cùng với tiềm năgn đất đai đang được khai thác có hiệu quả, Xuân Quang 1 cũng như nhiều xã miền núi khác đã phát huy được lợi thế tự nhiên để phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc thành ngành sản xuất quan trọng đem lại thu nhập cao cho nhân dân. Trong những năm gần đây, phong trào trồng cỏ nuôi bò theo hướng thâm canh của xã phát triển mạnh. Đàn bò trong xã đã tăng lên gần 4.000 con, đạt bình quân 3,8 con/hộ, trong đó bào lai chiếm 35% tổng đàn. Toàn xã đã có 45 ha được đưa vào trồng cỏ nuôi bò và diện tích trồng cỏ nuôi bò đang có xu hướng mở rộng.
Xã vùng cao Xuâng Quang 1 nằm cách thị trấn La Hai chừng 25 km. Xã có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với 1.530 người chiếm 35,6% dân số của xã. Tuy không thuộc xã đặc biệt khó khăn nhưng do nằm ở vị trí trung tâm của các xã phía tây huyện nên Xuân Quang 1 được chọn làm điểm xây dựng trung tâm cụm xã làm động lực phát triển cho các xã trong vùng. Nhờ được đầu tư của dự án trung tâm cụm xã đó mà Kỳ Lộ, thôn trung tâm của xã có những công trình hạ tầng làm nên diện mạo mới của một xã vùng cao. Dọc đoạn đường láng nhựa dài 1 km qua trung tâm xã có trường học, trụ sở xã, nhà văn hoá, chợ… xây dựng khang trang với nhiều cơ sở dịch vụ, thương mại đang từng bước hình thành một thị tứ mới phía tây huyện Đồng Xuân. Từ năm 2003 đến nay, Xuân Quang 1 còn được dự án hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng giúp đỡ nâng cấp và xây dựng các tuyến giao thông, nhà văn hoá, trường mẫu giáo, lưới điện, kiên cố hoá kênh mương ở nhiều thôn. Năm vừa qua, Xuân Quang 1 còn được chương trình 134 giúp cho 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Tâm và Suối Cối 2 xây dựng lại nhà ở. Điều đáng mững, tuy là xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng hôm nay 100% hộ dân Xuân Quang 1 đều được sử dụng điện lưới quốc gia; tất cả các thôn, buôn đều có nhà văn hoá, lớp mẫu giáo…
Về Xuân Quang 1, gặp lúc phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân đang nghiệm thu “nhà 134”, chúng tôi gặp niềm vui của bà con dân làng đón mừng nhà mới. Thôn Suối Cối 2, nơi có 245 hộ đồng bào Chăm H roi và Ba na sinh sống thì có đến 53 hộ được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở. Mặc dù là thôn nghèo nhất của xã, nhưng hầu hết những hộ nghèo được Nhà nước giúp đỡ xây dựng lại nhà đều thêm tiền của để có ngôi nhà mái ngói kiên cố, khang trang. Tuy vậy, công bằng mà nói, vẫn còn một số hộ ở tổ 1 còn nặng tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, không góp thêm công sức và phó mặc cho thợ nên nhận nhà mới mà chưa thật sự “ưng cái bụng”. Tại đây, chương trình 134 còn khai hoang 11 ha đất ở Suối Rô cấp cho 48 hộ thiếu đất. Những hộ này đang được Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ giống mía để sản xuất vụ tới. Thôn phó Đoàn Năm nói : “Phần lớn bà con trong thôn còn khó khăn lắm do chưa biết cách làm ăn. Những nhà chịu khó, chăm chỉ làm ăn đã khấm khá như Ma Mỹ, Ma Chạy…”
Về xã vùng cao này, chúng tôi được biết, tại đây huyện Đồng Xuân đang tích cực triển khai dự án xây dựng vùng mía cao sản đầu tiên của huyện trên diện tích 300 ha. Hai trạm bơm điện Mỏ Cày và Đồng Hội là những công trình đầu tiên của dự án vừa đưa vào hoạt động sẽ mở đầu chinh phục đỉnh cao năng suất của vùng mía lớn này. Trưởng phòng Kinh tế huyện, Huỳnh Pô Pin cho biết, năm nay huyện sẽ đầu tư xây dựng cánh đồng mía trên diện tích 100 ha đạt giá trị 50 triệu/ha. Theo đó, Phòng kinh tế huyện cùng Nhà máy đường KCP Sơn Hoà đầu tư giống mới, vật tư, trong đó huyện hỗ trợ 40% phân bón, hướng dẫn kỷ thuật để bà con thâm canh đạt năng suất 80- 100 tấn/ha. Mặt khác, lợi thế về đất rừng của xã cũng đang được một doanh nghiệp của Đắc Lắc nhắm tới. Có khoảng 300 ha đất rừng trong xã đã được quy hoạch đưa vào trồng rừng nguyên liệu giấy sẽ được triển khai trồng cây keo lai dâm hom vào đầu mùa mưa năm nay. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây Dó Bầu cũng đang xuất hiện đầy triển vọng trên vùng đất này. Có thể nói, tiềm năng đất đai phong phú của xã vùng cao đang đứng trước cơ hội được khai thác có hiệu quả hơn bao giờ hết.
Tuy xã đang có những chuyển động tích cực, song Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 Tạ Đức Kính còn không ít trăn trở. Ông bảo: Khó khăn lớn nhất của Xuân Quang 1 lúc này là giao thông chưa thuận lợi. Con đường huyết mạch về xã là tuyến ĐT 647 còn bị ách tắc ở 2 con suối Trăng và suối Cối 1. Mong muốn lớn nhất của nhân dân trong xã là được Nhà nước sớm đầu tư xây dựng cầu kiên cố tại các con suối này. Được như vậy, thì Xuân Quang 1 càng có cơ hội vươn lên, nhanh chóng thoát khỏi tình trang của một xã nghèo.
NGUYÊN TRƯỜNG