Đến với nghề bằng cái tâm, bằng sự đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn, những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) kết nối những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Qua đó góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các đối tượng thụ hưởng và người dân.
Khác với từ thiện là trao tặng vật chất, người làm nghề CTXH sẽ tìm hiểu nguyện vọng của đối tượng, xác định vấn đề họ đang gặp phải để tìm ra hướng giải quyết cụ thể, nhằm đem lại sự ổn định, hạnh phúc cho mọi người và phát triển cộng đồng.
Công việc thầm lặng
Mặc dù đã 65 tuổi nhưng ông Phạm Xuân Thống (thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) phải nuôi 2 cháu ngoại sớm mồ côi mẹ nên cuộc sống của gia đình luôn chật vật, khó khăn. Qua tìm hiểu, nắm bắt thông tin, hoàn cảnh của ông, chị Trần Thị Tùng Quy, cộng tác viên CTXH xã Hòa An cùng với chính quyền nghiên cứu, áp dụng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn ông kê khai, hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng cho 2 cháu mồ côi. Cùng với đó, chị còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mặt giúp ông Thống có điều kiện trang trải sinh hoạt gia đình.
Hoàn cảnh của ông Phạm Xuân Thống chỉ là một trong số hàng chục hoàn cảnh được chị Tùng Quy kết nối, trợ giúp. Hơn 5 năm gắn bó với nghề CTXH, chị tích cực vận động, kết nối giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, để không bỏ sót đối tượng, chị thường xuyên bám sát cơ sở rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của những người yếu thế, kịp thời hỗ trợ.
Chị Quy chia sẻ: Làm nghề này chẳng bao giờ có khái niệm ngày nghỉ vì nhiều hôm thứ bảy, chủ nhật tôi cũng phải đi cơ sở nắm bắt nhu cầu của các đối tượng, hướng dẫn họ làm hồ sơ để hưởng trợ cấp. Tôi chỉ mong sao mọi người đều có cuộc sống đủ đầy, an yên. Tuy vất vả nhưng khi mỗi hoàn cảnh được hỗ trợ, hưởng chế độ bảo trợ xã hội, tôi thấy rất vui.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Sen có hơn 10 năm công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh, là một trong những điển hình gắn bó với nghề CTXH. Hàng ngày, chị chăm sóc các đối tượng tận tình chu đáo từ miếng cơm, ngụm nước; tắm giặt, vệ sinh cho họ lúc ở nhà cũng như lúc đi bệnh viện. Chị luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên họ sống vui, sống khỏe; yêu thương và chăm sóc họ như người thân trong gia đình. Đặc biệt, đối với các cụ bị ốm nặng nằm liệt giường thời gian dài, vết thương bị lở loét, chị không ngại khó khăn vẫn chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, đút từng miếng cơm, muỗng cháo, giúp các cụ mau lành bệnh.
“Là nhân viên CTXH, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao trong chăm sóc các đối tượng là người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người tâm thần, người khuyết tật. Càng tiếp xúc, gần gũi, chăm sóc họ, tôi càng cảm thông, chia sẻ và gắn bó với công việc đang làm hơn”, chị Sen thổ lộ.
Hình thành đội ngũ CTXH chuyên nghiệp
Những việc làm của đội ngũ cộng tác viên làm CTXH như các chị Trần Thị Tùng Quy, Nguyễn Thị Mỹ Sen… đã góp phần cùng với các cấp chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Niềm vui lớn nhất của các chị chính là mang lại nhiều điều tốt đẹp cho những người yếu thế.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: CTXH là một trong những nghề mang tính đặc thù. Với những người làm nghề này, nếu không vì cái tâm thì khó có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng. Có thể thấy đã có một sự thay đổi tích cực nhờ có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trong đó, vai trò của nhân viên CTXH đã được khẳng định, họ chính là cầu nối quan trọng để hỗ trợ, kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, các nguồn lực trong xã hội, giúp những đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới, sở tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của nghề CTXH và cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, tiến tới hình thành một hệ thống chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân và có được đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên chuyên nghiệp.
HOÀNG LÊ