Thứ Bảy, 30/11/2024 08:45 SA
Hiệu quả từ thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Bí thư
Thứ Tư, 28/06/2023 13:00 CH

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Hiệp (TX Đông Hòa). Ảnh: KIM CHI

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và người lao động từng bước được nâng lên.

 

Chú trọng an toàn cho người lao động

 

Công ty TNHH MOSC Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Philippines, chuyên chế biến các mặt hàng thủy sản. Những năm qua, công ty không ngừng phát triển, khẳng định uy tín trên thị trường. Kết quả đó có được là nhờ công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; đồng thời quan tâm, chăm lo đến đời sống người lao động, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với công ty.

 

“Để tránh các rủi ro không đáng có trong quá trình sản xuất, công ty đã thành lập bộ phận an toàn, đội an toàn vệ sinh viên để thường xuyên kiểm tra, đánh giá rủi ro, kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây mất ATVSLĐ có thể xảy ra trên từng dây chuyền sản xuất. Công ty cũng xây dựng nội quy, quy trình sản xuất bảo đảm ATVSLĐ; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ của người lao động. 100% người lao động của công ty được trang bị bảo hộ theo đúng quy định, được khám sức khỏe định kỳ hằng năm, tham gia tập huấn các quy trình về ATVSLĐ trước khi vào làm việc và củng cố, cập nhật kiến thức thông qua các buổi tập huấn định kỳ”, Ông Trần Phước Bình, đại diện Công ty TNHH MOSC Việt Nam cho biết.

 

Tại Công ty CP Sao Phương Bắc (Khu công nghiệp An Phú, TP Tuy Hòa), NLĐ cũng được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để họ yên tâm làm việc trong môi trường an toàn.

 

Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Theo đánh giá của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, qua kiểm tra hoạt động ATVSLĐ tại các doanh nghiệp cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề ATVSLĐ được các đơn vị thực hiện xuyên suốt và kịp thời. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ được thực hiện nghiêm túc, cụ thể và hiệu quả. Ý thức chấp hành của người lao động và người sử dụng lao động có sự chuyển biến tích cực. Các chế độ, chính sách đối với người lao động như: huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, các chế độ hỗ trợ khi bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được chi trả và thực hiện kịp thời theo quy định. Điều kiện làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện, nguy cơ mất an toàn lao động dần được loại bỏ, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận xét: Từ khi có Chỉ thị 29 của Ban Bí thư, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản pháp luật về ATVSLĐ thường xuyên được quan tâm và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, thực hiện phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật và những quy định về ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động thường xuyên được nâng cao. Công nhân lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân và được khám sức khỏe định kỳ. Các chế độ, chính sách cơ bản đều được bảo đảm và giải quyết kịp thời.

 

Công nhân Công ty CP An Hưng được đảm bảo các điều kiện an toàn khi làm việc. Ảnh: KIM CHI

 

Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc

 

Hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Bí thư, một số chủ sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả nghiêm trọng xảy ra nếu như người lao động làm việc trong môi trường lao động mất an toàn, bị tai nạn lao động. Họ chưa gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động hoặc đổ lỗi cho việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên hạn chế kinh phí thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị.

 

Mặt khác, quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, người nông dân ngày càng được trang bị, sử dụng nhiều máy móc, thiết bị nên nguy cơ tai nạn lao động ngày càng lớn, trong khi lực lượng làm công tác bảo hộ lao động ở cấp xã không có. Việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các thiết bị, công nghệ, vật liệu mới, ngoài những mặt tích cực, còn tiềm ẩn những nguy cơ về ATVSLĐ. Trong khi đó, người lao động không được huấn luyện ATVSLĐ nên thiếu thông tin về pháp luật ATVSLĐ dẫn đến chưa nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ được pháp luật thừa nhận. Họ chưa biết cách tự bảo vệ mình, chưa mạnh dạn bày tỏ chính kiến, đặt ra các yêu cầu đối với người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ cho chính mình.

 

“ATVSLĐ không chỉ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, an toàn còn là động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng; thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Đại Thắng khẳng định và cho biết: Thời gian tới, công tác ATVSLĐ sẽ tiếp tục được ngành LĐ-TB&XH quan tâm hơn nữa. Các đơn vị trong ngành cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 29 của Ban Bí thư; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động… Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người. Trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. Đồng thời phấn đấu đạt 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ; 85% người bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật… 

 

ATVSLĐ không chỉ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, an toàn còn là động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng; thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới, công tác ATVSLĐ sẽ tiếp tục được ngành LĐ-TB&XH quan tâm hơn nữa.

 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Đại Thắng

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek