Thứ Sáu, 20/09/2024 02:24 SA
Cùng góp sức cho cuộc sống của trẻ em được tốt hơn
Thứ Bảy, 03/06/2023 14:00 CH

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Tây Hòa. Ảnh: KIM CHI

Trong các di sản về tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại có rất nhiều bài viết Người đề cập đến trẻ em và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Điều đó chứng tỏ trẻ em có vị trí vô cùng đặc biệt đối với Người, với quốc gia, dân tộc. Đó chính là tiền đề vững chắc, là kim chỉ nam soi đường cho Đảng, Nhà nước ta đề ra đường lối, chính sách pháp luật thực hiện quyền của trẻ em Việt Nam cho đến tận hôm nay.

 

Để trẻ em được sống an toàn

 

Nhiều năm qua, từ những chính sách, chương trình hành động vì trẻ em được ban hành và đưa vào cuộc sống, các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được giải quyết, an sinh xã hội dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được đảm bảo, quyền trẻ em nói chung, quyền tham gia của trẻ em nói riêng luôn được các cấp, ngành thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Mạng lưới bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội đã được hình thành và ngày càng phát triển; môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em không chỉ được quan tâm đúng mức mà còn nhận được quan tâm đầu tư rất lớn từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có sự chung tay góp sức không hề nhỏ của cộng đồng, xã hội.

 

Điều đáng quan tâm hiện nay chính là việc thời gian gần đây, dù Việt Nam được xem là quốc gia có hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ và phù hợp với những nhận thức mới về xây dựng giá trị con người, thì trẻ em vẫn đang liên tiếp đối mặt với các vụ bạo hành và xâm hại đặc biệt nghiêm trọng. Đáng nói hơn, không ít trẻ em lại trở thành nạn nhân trong chính gia đình mình, bị bạo hành, bị xâm hại ngay trong ngôi nhà mình, người gây ra hành vi tổn hại đối với trẻ không ai khác lại chính là người thân của trẻ. Đây không chỉ là hồi chuông dấy lên sự cảnh báo, mà còn là dấu hiệu cho thấy đạo đức xã hội, sự chuẩn mực cần có khi ứng xử với trẻ đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình là nơi trẻ em được bảo vệ, được chăm sóc tốt nhất, an toàn nhất, nhưng giờ đây nó đã bị phá vỡ bởi những vụ việc thương tâm, đau lòng gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ. Những vấn đề này giờ đây không còn là câu chuyện cá biệt mà là thực trạng đang diễn ra hàng ngày, rất cần sự quan tâm tập trung giải quyết và đề ra các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình.

 

Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 đang diễn ra với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” chính là dịp để cộng đồng xã hội thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương đối với trẻ em, cùng chung tay với Đảng, chính quyền địa phương các cấp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của xã hội trong công tác trẻ em. Đồng thời là dịp để mỗi chúng ta dành nhiều sự quan tâm và ưu tiên cho trẻ, để tất cả trẻ em dù trong hoàn cảnh nào cũng đều có cơ hội được đến trường, được tiếp cận giáo dục có chất lượng; được tiếp cận dịch vụ xã hội, được hưởng các chính sách an sinh và được vui chơi, giải trí trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh nhất, góp phần đẩy lùi các vấn nạn gây tác hại xấu đến trẻ em.

 

Ngay trong lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay, một hoạt động hết sức có ý nghĩa và mang dấu ấn riêng của tỉnh, đó là tổ chức chương trình Điều ước cho em. Khác với những hoạt động hưởng ứng khác sau lễ phát động, để tổ chức chương trình này, ban tổ chức đã chọn 5 em có hoàn cảnh đặc biệt do địa phương giới thiệu, trực tiếp khảo sát từng hoàn cảnh cụ thể, tìm hiểu mong ước của từng em trong cuộc sống, học tập và xây dựng thành phóng sự chiếu tại chương trình.

 

Tại chương trình năm nay - sau nhiều năm bị gián đoạn vì dịch COVID-19, những ước mơ giản đơn đã được hiện thực hóa trong sự xúc động đầy yêu thương. “Mẹ con chạy thận giai đoạn cuối phải ở bệnh viện, con muốn được gặp mẹ”; “Mẹ con mất rồi, ba con bị tai nạn lao động, ba còn phải chăm cho anh trai con bị khuyết tật từ nhỏ, ba không có tiền, con mong muốn được ba tặng gấu bông”; “Con muốn 1 cái tivi, trong nhà con không có gì để xem hết”; “Con muốn mẹ con có 1 chiếc xe đạp để đi bán vé số, mẹ con bị bệnh nhưng phải đi bộ rất nhiều mới có thể bán được vé”... Những tình cảm của các cô chú, ban tổ chức là nguồn động viên lớn để các em tự tin vươn lên nghịch cảnh cũng như nỗ lực trong học tập. Duy chỉ có một ước mơ chưa được san sẻ, chưa được trợ giúp thực hiện trong nổi buồn con trẻ: “Con mơ ước tìm được một người chồng cho mẹ con để mẹ con được chia sẻ gánh nặng, cho mẹ con bớt vất vả nhọc nhằn!”.

 

Trẻ em huyện Tây Hòa biểu diễn văn nghệ chào mừng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023. Ảnh: KIM CHI

 

Tạo mọi điều kiện tốt nhất

 

Mọi trẻ em đều có quyền và xứng đáng được trải qua tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên, được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất.

 

Trong không khí hưởng ứng tháng cao điểm hành động vì trẻ em, Sở LĐ-TB&XH, cơ quan quản lý nhà nước về công tác trẻ em đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành, hội đoàn thể các cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

 

Trong đó tập trung tăng cường phổ biến tuyên truyền Luật Trẻ em; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến trẻ em. Đồng thời truyền thông sâu rộng về mục đích ý nghĩa việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh (02573 890000). UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng tránh tình trạng trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại và tai nạn thương tích ở trẻ. Rà soát, nắm chắc số liệu về trẻ em có hoản cảnh đặc biệt, trẻ em nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí; tập trung các nguồn lực để đảm bảo 100% trẻ em được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội. Tỉnh và các địa phương cũng tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp để trẻ em thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em; thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại địa phương.

 

UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tham gia các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em.

 

Chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” của Tháng hành động vì trẻ em không đơn giản chỉ là thông điệp truyền thông mà còn là chuỗi hành động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, tính nhân văn và tấm lòng nhân ái vì trẻ em; xây dựng mạng lưới bảo vệ sự an toàn của trẻ có hệ thống và hoạt động hiệu quả.

 

PHẠM THỊ MINH HIỀN

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek