UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023, phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó qua đào tạo nghề nông nghiệp đạt trên 53%; đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập; đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.055 lao động nông thôn trên toàn tỉnh.
Đối tượng đào tạo là lao động trong các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương; lao động trong các làng nghề tham gia phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với giá trị văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương; chuyển đổi số trong nông nghiệp; lao động ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Định hướng ngành nghề đào tạo là các nghề để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án ngành NN&PTNT chủ trì như: bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn. Đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
(PYP)