Hiện nay, từ đồng bằng đến miền núi, nhiều bà con nông dân sử dụng máy sạ ruộng, bón phân, phun thuốc cho cây lúa. Ngoài ra, người dân còn dùng máy làm cỏ vườn cây ăn trái, phạt chồi rẫy keo, giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập...
Những chiếc máy này luôn là bạn đồng hành của nhà nông, được xem như những người giúp việc hiệu quả.
Máy giúp nông dân làm ruộng
Trên các cánh đồng xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), nhiều nông dân sử dụng máy đa năng “5 trong 1”. Đây là chiếc máy có nhiều chức năng, như sạ giống, bón phân, phun thuốc… cho cây lúa, sử dụng rất thuận tiện. Ông Bùi Văn Hùng ở xã Hòa Mỹ Tây, một trong những nông dân đi đầu trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa cho hay: Trước đây đến mùa sạ ruộng, nông dân bưng từng thúng lúa giống để vãi. Còn nay sử dụng máy sạ, chúng tôi chỉ cần đổ lúa giống vô bình chứa gắn động cơ mang sau lưng, máy sẽ tự động gieo sạ. Sạ bằng tay thì có lúc nặng, lúc nhẹ tay, lúa vãi ra không đều, chỗ dày chỗ thưa, còn sạ bằng máy phun thì đều hơn. Thêm nữa, khi sạ tay, mỗi bàn chân lội trong ruộng sạ làm mất đi một lượng lúa giống, sau này tốn công cấy dặm. Sạ máy đỡ được phần này.
Theo ông Hùng, cũng với chức năng phun, khi sử dụng máy sạ ruộng để bón phân thì muốn dày hay thưa, nhiều hay ít, người dùng chỉ cần điều chỉnh lưỡi gà phần tiếp giáp giữa bình nhựa đựng phân. Đám ruộng rộng gần 1 sào, ông Hùng phun 3 đường là xong. Nếu vãi phân bằng tay thì tầm với của đôi tay hạn chế nên phải bước qua bước lại gấp đôi. “Loại máy này mạnh, nếu phun phân, đám ruộng chiều ngang 10m thì đi hai bên bờ phun giáp lại nhau không phải lội ruộng”, ông Hùng cho biết thêm.
Còn ông Phan Văn Bính ở xã Hòa Mỹ Đông tâm đắc: Chỉ tính riêng chức năng phun thì ngoài việc phun thuốc, bón phân, sạ ruộng, máy này còn có thể phun vôi để cải tạo đất. Đây là công cụ rất hữu ích giúp bà con nông dân giảm đáng kể chi phí, công lao động nên từ đồng bằng đến miền núi ai cũng sử dụng.
Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Đào Văn Roa cho hay: Trước đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư, hỗ trợ máy đa năng cho một số hộ dân. Mục đích của mô hình là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào khâu sản xuất cho cây lúa. Sau đó thấy hiệu quả, bà con nông dân nhân rộng, giải quyết tình trạng khan hiếm công lao động hiện nay.
Chăm sóc vườn cây ăn trái, rẫy keo
Theo ông Phan Văn Trí, nông dân ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), máy đa năng này không chỉ phun thuốc dưới thấp cho ruộng lúa mà có thể “leo cao” bằng cách nối ống dẫn phun thuốc cho cây ăn trái như xoài, mận, cũng rất hiệu quả. “Máy cũng có thể làm cỏ vườn cây ăn trái, phạt chồi rẫy keo”, ông Trí nói.
Qua sử dụng máy đa năng “5 trong 1”, ông Trí cho rằng, trong 1 giờ, với chức năng phạt chồi rẫy, máy có thể phạt sát gốc với diện tích 1 sào, mức tiêu hao nhiên liệu bình quân là 0,5 lít xăng/giờ. Về chức năng phát cỏ, trung bình mỗi giờ, máy dọn sạch 2 sào. Cũng cùng diện tích đó, nếu phát bằng tay thì một người phải mất 2 ngày ròng rã mới phát xong.
Bà Bùi Thị Nga ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Máy này gọn nhẹ, phụ nữ có thể sử dụng được. Năm rồi khi chồng tôi bị bệnh đúng thời điểm rẫy keo lên chồi non, tôi mang máy ra phạt chồi. Chiều trên đường về, tôi ghé đám cỏ voi phạt 5 phút là được một ôm cỏ cho bò ăn. Có máy đa năng trong nhà như có thêm người giúp việc.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030. Theo đó, tỉnh khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, chế tạo máy, trang bị máy móc, dịch vụ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Đối với trồng trọt, việc cơ giới hóa các khâu sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 80% vào năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% vào năm 2030… Mục tiêu chung là đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
MẠNH LÊ TRÂM