Mới đây, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức hội thảo ra mắt và phát triển kế hoạch hành động của chương trình Phú Yên thực hành không rác. Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến về giải pháp, mô hình giảm thiểu rác thải tại hội thảo.
ÔNG NGUYỄN THÁI HÒA, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN-MT: Cùng góp sức bảo vệ môi trường
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường, góp phần quản lý, kiểm soát cơ bản hiệu quả môi trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều vấn đề, nhiều thách thức lớn trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường cần tiếp tục được giải quyết, nhất là ô nhiễm môi trường từ rác thải đã xuất hiện từ nhiều năm qua và đang có xu hướng gia tăng…
Gần đây, Phú Yên luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ trong công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức trong nước và quốc tế. GreenHub đã đồng hành cùng Phú Yên kêu gọi các nguồn lực tài trợ trong và ngoài nước, trong đó có gói công việc Phú Yên thực hành không rác. Gói công việc này đang triển khai thí điểm giải pháp thay thế đồ nhựa trong đóng gói bao bì và đề xuất kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm định hướng các giải pháp phù hợp để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ nhựa sử dụng một lần; nâng cao chất lượng và hiệu quả thu gom, phân loại rác; đánh giá, nhân rộng các giải pháp phân loại rác và giảm rác thải nhựa.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, do đó các cấp, ngành, địa phương và người dân cần chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường để Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện.
BÀ TRẦN THỊ HOA, GIÁM ĐỐC GREENHUB: Đưa Tuy Hòa trở thành đô thị có tỉ lệ giảm nhựa cao
Dự án Phú Yên thực hành không rác có 3 hợp phần chính. Một là tạo điều kiện cho việc thiết lập khung chính sách thuận lợi và hỗ trợ phát triển các giải pháp thực tế để mở đường cho việc loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2030. Hai là hỗ trợ việc cải thiện và tiết kiệm chi phí của hệ thống thu gom hiện tại ở TP Tuy Hòa; giới thiệu hệ thống thu gom rác hữu cơ riêng biệt và làm tăng sự xuất hiện của những người thu gom đồng nát. Ba là hỗ trợ phát triển hai giải pháp tái chế chất thải hữu cơ, đồng thời củng cố vị thế và cải thiện điều kiện làm việc của những người thu gom đồng nát và các chủ cửa hàng tạp hóa trong chuỗi giá trị hiện có nhờ sự công nhận chính thức của chính quyền địa phương.
Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành chương trình hành động về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Mục tiêu của dự án Phú Yên thực hành không rác là tập trung giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt, giảm thiểu rác thải nhựa và tăng không gian xanh, phấn đấu đưa TP Tuy Hòa trở thành 1 trong 10 đô thị có tỉ lệ giảm nhựa cao trong cả nước, năm 2023 hình thành mô hình điểm về phân loại rác thải tại các địa phương, đến năm 2025 đảm bảo 20% chất thải sinh hoạt tại các đô thị được phân loại tại nguồn, giải quyết hiệu quả tình trạng xả thải rác vào khu vực ven biển, nhất là đầm, vịnh.
BÀ CAROLINE HUWILER, ĐIỀU PHỐI VIÊN DỰ ÁN QUỐC TẾ CỦA TỔ CHỨC PHÁT TRIỂN, MÔI TRƯỜNG VÀ NĂNG LƯỢNG (IDE-E): Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
IDE-E là tổ chức hỗ trợ thực hiện dự án Phú Yên thực hành không rác, thời gian triển khai từ năm 2022-2024. Để thực hiện hiệu quả dự án này cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Từ chối, tái sử dụng; giảm thiểu, phục hồi; tái chế tuần hoàn.
Từ chối, tái sử dụng là tránh sử dụng đồ nhựa dùng một lần, thay thế bằng sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học. Giảm thiểu và dần dần loại bỏ nhựa sử dụng một lần ở Phú Yên bằng cách phát triển các giải pháp thay thế khả thi và ban hành khung chính sách hỗ trợ.
Giảm thiểu, phục hồi là giảm lượng chất thải được tạo ra và đổ vào bãi chôn lấp, bằng cách tối ưu hóa việc phân loại chất thải, trong đó thu gom riêng chất thải hữu cơ và các chất tái chế khác. Phải tổ chức thu gom riêng biệt, thí điểm thu gom khu mới và mở rộng quy mô, đánh giá mạng lưới thu gom phi chính thức, hỗ trợ tăng cường thu gom rác thải nhựa, cải thiện điều kiện của người thu gom.
Tái chế tuần hoàn là phát triển và củng cố các giải pháp tái chế khả thi, để cải thiện tỉ lệ tái chế. Địa phương cần hướng dẫn, phát triển địa điểm ủ phân hữu cơ; theo dõi, đánh giá các phương án tái chế hiện có và xây dựng phương án mới; phát hành tài liệu cho giải pháp tái chế mới.
BÀ VŨ MỸ HẠNH, TƯ VẤN VIÊN CỦA GREENHUB: Từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần
Theo kết quả kiểm toán rác thải do GreenHub thực hiện tại TP Tuy Hòa đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần thì tại hộ gia đình chiếm 31,27%, tại các khách sạn du lịch chiếm 14,41%, tại chợ phường 7 chiếm 20,68%… Để quản lý rác thải nhựa hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần, Phú Yên cần triển khai đồng bộ các giải pháp, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân và huy động sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường. Chúng ta cần triển khai hành động và nỗ lực ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết, cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường.
Ngoài việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, triển khai thu gom, xử lý rác thì người tiêu dùng cũng cần tham gia bằng cách giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa tạo ra. Các hộ gia đình, cá nhân cần nâng cao trách nhiệm trong mua sắm và tiêu dùng có ý thức, từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, không xả rác bừa bãi.
ANH NGỌC (thực hiện)