Trò chuyện với họ, hiểu thêm về đặc thù công việc thì càng trân trọng những đóng góp của lực lượng y tế hệ dự phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe Nhân dân.
Trên những nẻo đường... bắt muỗi
Nhân viên y tế đến nhà, nhắc nhở người dân trong vùng có nguy cơ cao thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. ẢNH: YÊN LAN |
Làm việc trong ngành Y tế từ năm 1995, sau khi có bằng cử nhân sinh học của Trường đại học Đà Lạt, anh Lê Hoàng Nghiêm (Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên) có “một kho” kỷ niệm khi cùng đồng nghiệp đi điều tra dịch tễ, phòng chống dịch bệnh.
Sau hàng chục năm, anh Nghiêm vẫn nhớ những lần cùng đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên) đi điều tra dịch tễ, phòng chống sốt rét. Một đội có khoảng 6 người, gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, cử nhân sinh học... Họ đến những vùng có sốt rét lưu hành, bắt muỗi Anophen, tiến hành xét nghiệm máu trong cộng đồng dân cư, phát thuốc cho những người mắc bệnh sốt rét... Họ chờ đêm xuống để bắt muỗi nơi chuồng bò, bắt muỗi trong nhà, ngoài nhà, ở bìa rừng... Họ xắn quần lên để làm mồi cho muỗi đốt, hút máu mình rồi dùng ống tuýp bắt chúng. Muỗi Anophen được nhận diện bởi thân chúng đầy vảy bạc, khi đốt thì chổng phần đuôi lên một góc 45 độ. Nhân viên y tế mổ và soi muỗi dưới kính hiển vi để tìm thể thoa trùng (sporozoite) trong tuyến nước bọt và thể nang trùng (oocyst) trong dạ dày muỗi. Nếu muỗi Anophen ở vùng đó mang mầm bệnh sốt rét thì khả năng vùng đó có sốt rét, và cơ quan y tế nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống. Anh Nghiêm cho biết: “Có nhiều loài muỗi Anophen truyền bệnh sốt rét, trong đó vài loài nguy hiểm hơn, chứa ký sinh trùng có độc lực cao hơn, có khả năng làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Cách đây mấy mươi năm, ca bệnh sốt rét ở Phú Yên nhiều lắm. Hồi đó, người dân ở miền núi còn lạc hậu, có khi mắc sốt rét, họ cúng Giàng. Chúng tôi vận động bà con lấy máu xét nghiệm và uống thuốc sốt rét. Nay ca bệnh sốt rét rất ít”.
Giai đoạn trước, mỗi khi đi điều tra dịch tễ, đội y tế qua đêm ở trạm y tế, trường học hoặc ở nhờ nhà dân. Anh Nghiêm nhớ có một lần cùng đồng nghiệp lặn lội đến xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) điều tra dịch tễ sốt rét. Hồi đó đường đi khó khăn, xã Sông Hinh xa thăm thẳm. Xong việc, đội y tế cột võng ngủ trong một phòng học. Vô tình bật đèn pin soi lên mái phòng, họ sững sờ nhìn thấy cặp rắn hổ to tướng. Hai con rắn tưởng chừng sắp rơi xuống chỗ họ nằm. Thế là bung dậy, chạy. Có lần, anh Nghiêm cùng một số đồng nghiệp đi giám sát phun hóa chất và tẩm màn để phòng chống sốt rét. Họ vào đúng nhà mấy ông đang uống rượu, thế là bị các “đệ tử Lưu Linh” vác rựa rượt chém...
Anh Nghiêm cho biết trong các loài muỗi, chỉ có muỗi cái đốt hút máu để phát triển trứng; muỗi đực hút nhựa cây để sống. Muỗi Anophen truyền bệnh sốt rét hoạt động vào ban đêm, còn muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) thì hoạt động vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Do đó, những người làm việc tại Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng đi bắt muỗi truyền bệnh sốt rét vào ban đêm, đi bắt muỗi truyền bệnh SXH vào ban ngày. Ít cực hơn, nhưng cũng không đơn giản. Đó là khi phát hiện trong nhà dân nhiều dụng cụ chứa nước có lăng quăng và nhân viên y tế hướng dẫn bà con xử lý nhưng người ta không quan tâm, hoặc tỏ vẻ quan tâm song kỳ thực vẫn xem nhẹ việc này. Họ nghĩ “Ba cái quỷ đó, gì đâu mà lây bệnh”. Chuyện người dân không hợp tác, không cho nhân viên y tế vô nhà điều tra chỉ số lăng quăng, mật độ muỗi là hết sức... bình thường. Ngại nhất là “đụng” phải người say hoặc gặp chó dữ. Theo kinh nghiệm của anh Nghiêm, hễ đến nhà nào để điều tra chỉ số côn trùng mà gặp người dân đang chén tạc chén thù thì tốt nhất là sang nhà khác.
“Làm nghề này cũng có những chuyện vui. Niềm vui lớn nhất là sau những ngày chống dịch, vùng đó hết dịch”, anh Nghiêm chia sẻ.
Vất vả chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Năm 2022 vừa qua là năm chu kỳ dịch SXH ở Phú Yên. Số ca mắc SXH tăng cao ở Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa... Tại Tuy An, có đến 39 ổ dịch, 1.279 ca mắc SXH được ghi nhận. Y sĩ Thiều Tấn Lộc (Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Tuy An) chia sẻ: “Chúng tôi đã có một năm rất vất vả với SXH”.
Cán bộ y tế điều tra chỉ số côn trùng tại một nhà dân ở Tuy An. ẢNH: YÊN LAN |
Khi phát hiện ổ dịch SXH, song song với việc tổ chức điều trị bệnh, hoạt động truyền thông tại ổ dịch được đẩy mạnh để người dân, cộng đồng và các đoàn thể xã hội phối hợp, tham gia chống dịch. Một khâu quan trọng là xử lý véc tơ trong ổ dịch. Nếu có một ổ dịch thì xử lý trong bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân. Trường hợp có từ 3 ổ dịch trở lên tại một thôn trong vòng 14 ngày thì xử lý theo quy mô cả thôn và có thể mở rộng khi dịch lan rộng. Các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ. Cùng với đó là hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở từng hộ gia đình một cách thường xuyên, đặc biệt là trước khi phun hóa chất diệt muỗi... Nói vậy để thấy công việc của nhân viên y tế hệ dự phòng ở cơ sở rất vất vả. Anh Lộc cho biết: “Chúng tôi cố gắng và hỗ trợ nhau trong công việc. Mừng nhất là trên địa bàn không có ca tử vong do SXH”.
Tại Phú Hòa, những người làm công tác phòng chống dịch bệnh cũng vất vả không kém. Y sĩ Nguyễn Văn Mẫn (Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa) chia sẻ: Chúng tôi căn cứ vào số ca mắc SXH ghi nhận được trong khu vực, so sánh với thời gian trước, với cùng kỳ năm ngoái và điều tra chỉ số côn trùng. Nếu chỉ số những con muỗi cái/số hộ điều tra từ 0,5 con trở lên, hoặc chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có lăng quăng Aedes trong 100 hộ điều tra) từ 30 trở lên thì đó là những nơi có nguy cơ cao, phải diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Việc phun hóa chất chủ động được tiến hành 2 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày; nếu làm tốt thì nguy cơ SXH sẽ giảm, dịch không bùng phát.
Anh Mẫn có 27 năm gắn bó với nghề y. Từng khoác áo quân y, từng tham gia đội y bác sĩ trẻ tình nguyện và rồi từ năm 2008 đến nay, anh làm việc tại Khoa Kiểm soát bệnh tật. Cùng các đồng nghiệp, anh cập nhật, trau dồi kiến thức chuyên môn qua các lớp tập huấn và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công việc; nắm chắc địa bàn, nắm bắt nhanh tình hình để kịp thời tham mưu hướng xử trí. Anh Mẫn thổ lộ: “Nhân viên y tế không ngại khó, ngại khổ. Tham gia phòng chống dịch bệnh, chúng tôi đến khắp các thôn xóm, tiếp xúc với bà con. Vui nhất là hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, dịch bệnh được dập tắt”.
*
Tôi gặp các “chiến sĩ thầm lặng” trên trong những lần cùng tổ công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên đi giám sát dịch tễ, điều tra côn trùng, vào thời điểm dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp. Trò chuyện với họ, hiểu thêm về đặc thù công việc thì càng trân trọng những đóng góp của lực lượng y tế hệ dự phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe Nhân dân.
42 năm gắn bó với y tế dự phòng, BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên cũng có những giây phút chạnh lòng, khi người dân xem nhẹ vai trò của y tế dự phòng. Anh và đồng nghiệp tìm vui trong công việc, khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bác sĩ Biện Ngọc Tân chia sẻ: “Hồi đi học, tôi nghe các giáo sư nói rằng: Bác sĩ điều trị cứu chữa từng bệnh nhân, còn bác sĩ dự phòng can thiệp tình trạng sức khỏe của cả một cộng đồng. Nếu dự phòng không tốt thì bên điều trị sẽ quá tải. Và, tôi đọc ở đâu đó rằng, thầy thuốc hệ dự phòng là những chiến sĩ thầm lặng”.
YÊN LAN