Thứ Bảy, 23/11/2024 00:56 SA
Bình đẳng giới từ… việc nhà!
Thứ Ba, 21/02/2023 13:00 CH

Nam giới chia sẻ việc nhà giúp phụ nữ có thời gian làm việc xã hội, san sẻ kinh tế cùng chồng. Ảnh: THÁI HÀ

Ngày nay, mặc dù vị thế của phụ nữ thay đổi một cách tích cực, nhưng trách nhiệm trong gia đình, nhất là với công việc nhà, họ vẫn giữ vai trò chính. Để hài hòa giữa việc nước - việc nhà, tạo cơ hội cho phụ nữ phát huy được phẩm chất, năng lực của mình, cần sự trách nhiệm, sẻ chia của tất cả thành viên trong gia đình.

 

Áp lực từ việc nhà

 

Không thể phủ nhận phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội phát triển hơn so với thời các bà, các mẹ trước đây. Thực tế không thiếu những phụ nữ thành công, có địa vị cao, có vai trò tương đương với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù vậy, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Một trong những định kiến giới là người phụ nữ phải đảm việc nhà.

 

Dù xã hội hiện đại có nhiều loại hình dịch vụ gia đình hỗ trợ đắc lực từ việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm... nhưng không có nhiều gia đình, cá nhân có điều kiện sử dụng dịch vụ để giải phóng khỏi công việc nhà. Thực tế, các công việc nội trợ, chăm sóc thành viên trong gia đình thường do phụ nữ đảm nhận phần lớn. Kết quả là, các chị em phải làm việc thời gian dài và mất nhiều sức lực so với nam giới.

 

Là công nhân may tại một xưởng ở TP Tuy Hòa, không có nhiều thời gian cho con nên chị Nguyễn Thị Hồng Khanh (huyện Phú Hòa) gửi con gái ở một trường tiểu học bán trú ngoài công lập tại TP Tuy Hòa. Đều đặn, buổi sáng, chị dậy lúc 4 giờ 30 nấu cho con ăn sau đó chở con đến trường và bắt đầu vào làm việc. Đến 6 giờ chiều, chị Khanh đón con về nhà cho con ăn, hướng dẫn con học bài, sau đó dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, xếp quần áo. Làm xong từng ấy việc, chị mới đi ngủ để chuẩn bị mai còn dậy sớm đi làm. Hiện tại, con gái chị Khanh đang học lớp 1 nhưng chị chưa có ý định sinh con thứ hai. “Sinh đứa nữa cũng chỉ mỗi mình tôi khổ vì chồng chẳng màng đến nhà cửa, con cái. Dù tôi đã cố gắng hết sức nhưng sáng con luôn là người đến trường sớm nhất và chiều về trễ nhất. Thấy con thiệt thòi nên tôi không dám sinh thêm”, chị Khanh thở dài nói.

 

Tại buổi truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà vừa được tổ chức tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, bà Phạm Thị Thu Huyên, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho rằng sự bất bình đẳng giới dễ nhìn thấy nhất trong nhiều gia đình Việt Nam chính là vấn đề làm việc nhà. Bởi việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm con cái trong gia đình hiện nay đa số vẫn là do phụ nữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều chị em cũng đi làm kiếm tiền như chồng của họ nên việc chỉ có phụ nữ đảm việc nhà đã, đang và sẽ tạo áp lực, gánh nặng cho nữ giới.

 

Cần sự trách nhiệm, sẻ chia

 

Bình đẳng giới không phải là đòi quyền lợi cho phụ nữ mà thực chất là đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mọi giới tính, đấu tranh cho mọi người. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai được hưởng các quyền, nguồn lực, cơ hội và sự bảo vệ như nhau. Tuy nhiên, nó không yêu cầu trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới phải giống nhau hoặc họ phải được đối xử hoàn toàn giống nhau.

 

Biết vợ rất bận rộn với việc buôn bán quán ăn tại nhà, anh Lê Trí Tuệ (phường 4, TP Tuy Hòa), thay vợ chăm sóc con và làm việc nhà. Anh Tuệ giải thích: “Trước đây, tôi làm việc ở TP Hồ Chí Minh, lập gia đình rồi tôi vẫn làm thêm một thời gian nữa mới chuyển hẳn về quê. Trong khi chờ việc mới, có nhiều thời gian rảnh nên tôi sửa sang lại nhà cửa, mua sắm bàn ghế, mở quán ăn cho vợ buôn bán tại nhà. Do vợ bận nên việc nhà hầu như tôi làm hết. Mọi người thường quan niệm việc rửa chén, lau nhà, cho con ăn là của vợ, còn chồng thì làm những việc lớn hơn. Nhưng theo tôi, không có việc nhỏ, việc lớn, việc nào cũng quan trọng và ai rảnh thì làm thôi. Tôi chuẩn bị nhận việc, thời gian tới chỉ sợ vợ vất vả”.

 

Tham gia buổi truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, chị A Lê H Tất ở thôn Độc Lập A, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa cho biết, gia đình chị làm nông, công việc rất vất vả. Chị có hai con còn nhỏ nên một mình làm không hết việc, chồng phải cùng làm. “Hai vợ chồng đều làm rẫy. Khi về đến nhà, nếu tôi nấu cơm thì chồng tắm rửa cho con, phụ dọn nhà cửa. Có hai người làm nên việc xong nhanh để cả nhà cùng ngồi ăn cơm, cùng nói chuyện. Từ sự sẻ chia, cùng nhau làm việc mà tôi thấy không quá áp lực để phải cáu gắt”, chị Tất chia sẻ.

 

Khi sống chung dưới một mái nhà, các thành viên trong gia đình cùng sử dụng các vật dụng, đồ dùng, tiện nghi nên tất cả đều cần và phải có trách nhiệm với công việc nhà. Hơn nữa, cuộc sống ngày càng bình đẳng, sự phân công lao động xã hội hiện nay đòi hỏi người đàn ông không chỉ tập trung lo làm kinh tế để hết việc nhà cho người vợ mà còn phải chung tay để vợ có thời gian làm việc xã hội, san sẻ kinh tế cùng chồng. Sự phân công công việc không nhất thiết phụ nữ làm nội trợ, nam giới làm những việc nặng mà tùy thuộc vào đặc điểm thể chất, sở trường… của từng cá nhân; đảm bảo thời lượng làm việc nhà không quá dài để các cá nhân đủ thời gian, năng lực thực hiện các công việc khác cũng như tái tạo sức lao động. 

 

Bình đẳng giới trong gia đình là nhân tố quan trọng, làm cơ sở cho việc thực hiện bình đẳng trong toàn xã hội. Muốn vậy, mỗi gia đình phải có sự sẻ chia, cùng tạo điều kiện để các thành viên có cơ hội phát huy khả năng và thực hiện mong muốn của mình.

 

Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek