Phạt chồi, khai thác gỗ keo… là những việc tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn miền núi nhưng cũng biết bao nhọc nhằn, nguy hiểm.
Nhiều vợ chồng năm này qua năm khác rong ruổi khắp các đồi núi khai thác gỗ keo thuê kể cả trong những ngày tết. Dẫu công việc vất vả, nhưng họ mong có việc làm quanh năm để kiếm tiền nuôi con ăn học đến chốn.
Đi sớm về khuya
Những ngày qua, nhiều tốp người ở xã Xuân Sơn Nam rủ nhau chạy xe máy ngược lên xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) làm công việc phạt chồi thuê trên các rẫy trồng keo. Phía sau xe gắn máy, họ chở máy phạt chồi, xăng, nhớt, nồi xoong rủng rẻng. Ông Nguyễn Văn Hiên, một người đi phạt chồi thuê cho hay: Làm nghề này lên núi ở lại đêm nên phải sắm chuyến 7 ngày. Mỗi chuyến phải chuẩn bị gạo, thức ăn nấu sẵn lên núi hâm lại hoặc cá mặn, mắm ruốc… Thức ăn mang theo đủ ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, chiều trong vòng 1 tuần và mang thêm vài gói mì tôm tối đói bụng ăn thêm. Khu vực phạt chồi thuê giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai.
Ông Bùi Văn Tài, một người đi phạt chồi thuê cùng ông Hiên, chia sẻ: Khi đến địa phận xã Phú Mỡ, xe máy chạy theo những con đường xe tải chở gỗ keo hằn sâu vết bánh, bùn đất nhão trườn lên dốc núi cao. Đến nơi, mọi người dựng chòi, căng bạt, cột võng ngủ, sáng mang máy vượt đồi dốc, băng qua những vạt rừng tiến lên chỗ rẫy keo mới trồng, phạt chồi. “Lứa keo trồng năm rồi đến nay chồi lên xanh. Chủ rừng họ thuê mình phạt phồi để keo non không bị rập vì khuất ánh nắng mặt trời, đồng thời cắt dây leo bó keo non”, ông Tài nói.
Trên những rẫy keo hai bên quốc lộ 19C, đoạn qua thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, một tốp người ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) vượt khoảng 20 cây số bằng xe máy đến đây mưu sinh bằng nghề cưa hạ, cắt khúc và lột vỏ keo thuê. Những người đàn ông khỏe mạnh ôm cưa máy cưa cây và cắt thành khúc dài tầm 3m. Những người phụ nữ gom cây thành đống rồi cặm cụi lột vỏ. Công việc kéo dài từ sáng sớm đến tận trưa. Họ ăn vội gói cơm vắt mang theo, nghỉ ngơi giây lát rồi lại tiếp tục ra rừng làm việc. Chiều, mọi người cùng nhau gắng sức khiêng vác gỗ chất lên xe tải chở đến bán cho những nhà máy dăm gỗ.
Lắm rủi ro
Theo ông Bùi Văn Tài, làm nghề này dù đã rất cẩn thận, nhưng vẫn không tránh khỏi bị thương, chảy máu tay chân. Bởi máy phạt chồi loại hai thì chạy xăng pha nhớt, vòng tua rất nhanh và mạnh, lưỡi cưa bén mới cắt đứt cây. Có khi lưỡi cưa mòn mà quên thay nên khi phạt bị gãy, văng vô chân bị thương nặng. Cũng có khi đang phạt chồi thì gặp cây lớn cắt từng đoạn, từng khúc, với vòng tua nhanh, dăm cây văng mạnh đóng vô tay chân chảy máu. “Phạt chồi thì ai cũng phải chú ý để khỏi bị thương nhưng khó lắm. Trên rẫy, cây thành rừng với nhiều nhánh lớn đan vào nhau nên khi phạt thường lôi kéo dính chùm, dễ xảy ra tai nạn. Đó là chưa kể đôi lúc xui rủi lưỡi cưa vô tình phạt vào chân. Nghề phạt chồi nguy hiểm lắm nhưng ráng làm kiếm tiền nuôi con ăn học”, ông Tài chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Từ, một người trong nhóm ở xã An Lĩnh cho hay: Công việc này trong nhóm có người nhận khoán rồi chia nhau từng phần việc cùng làm. Công cưa, lột, bốc lên xe là 250.000 đồng/tấn; trong đó, công cắt 80.000 đồng/tấn, công lột 40.000 đồng/tấn, còn lại công bốc lên xe. Và tùy theo địa hình xa, gần mà có sự tăng, giảm.
Nghề này, theo anh Từ cũng thương tích đầy mình. Dù luôn để ý tránh những rủi ro nhưng làm nghề cưa cắt keo hay bị cây đập vào người. Nhẹ thì bị thương trầy xước da, nặng thì phải may vài mũi nằm nhà cả tháng trời. Anh Từ kể: “Có lần khi lui cui cưa gốc keo lớn, cây ngã, phần ngọn nặng đập mạnh vào cây bên cạnh. Nhánh cây này không chịu nổi nên bật gãy và gốc cây vừa cắt bật ngược vào đầu khiến tôi bị thương. Mọi người xúm lại băng bó vết thương nhưng máu chảy không cầm phải đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu”.
Gần đó, chị Bùi Thị Trang cũng đang cùng chồng cưa, lột vỏ keo thuê, cho hay từ gà gáy, vợ chồng chị đã thức dậy nấu nướng rồi ăn vội bữa sáng trước khi rời nhà. Trưa, hai vợ chồng mở gói cơm mang theo ăn qua bữa rồi tiếp tục làm việc. Sau khi cưa, lột vỏ rồi chất gỗ lên xe, có hôm vợ chồng vượt đường rừng trở về nhà với hai con trong đêm tối mịt. “Mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm được 400.000-500.000 đồng, chưa kể xăng xe đi lại. Làm nghề khai thác keo khổ cực nhưng nếu không có nó thì chẳng có công việc gì làm để kiếm sống. Năm này qua năm khác, vợ chồng tôi rong ruổi khắp các đồi núi từ An Lĩnh (huyện Tuy An) qua Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) khai thác gỗ keo thuê. Công việc vất vả nhưng vợ chồng tôi chỉ mong có việc làm quanh năm. Mùa nắng thì phạt chồi, cắt cành, đến mùa mưa thì trồng rừng. Cứ thế, lúc nào cũng có việc làm kiếm tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn là mừng”, chị Trang nói.
Những ngày đầu năm mới Quý Mão này, dọc theo quốc lộ 19C từ huyện Sơn Hòa qua huyện Sông Hinh, hai bên đường nhiều người khai thác keo. Gỗ keo hiện được bán với giá 1,5-1,7 triệu đồng/tấn tùy theo chất lượng gỗ. Theo Sở NN-PTNT, hằng năm toàn tỉnh trồng rừng tập trung 6.000ha, sản lượng khai thác rừng trồng 240.000 tấn. Nhiều người dân ở nông thôn có công việc làm và thu nhập ổn định từ rừng.
MẠNH LÊ TRÂM