Những năm qua, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, nhiều trẻ đã ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện quyền cơ bản của trẻ em khi hòa nhập cộng đồng…
Trung tâm Công tác xã hội cùng xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) trao nhà Tình thương cho em Võ Thị Kim Tình. Ảnh: KIM CHI |
Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó chủ yếu là trẻ em nghèo khó, trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi...
Giúp trẻ vươn lên
Em Võ Thị Kim Tình, 10 tuổi ở thôn Bình Thạnh Nam, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) mồ côi cha, mẹ bỏ 3 anh em đi gần 10 năm nay không liên lạc. Cuộc sống vắng bóng cha mẹ, 3 anh em sống nhờ sự đùm bọc của họ hàng, làng xóm và chính quyền xã. Em Tình nghẹn ngào: Không có mẹ bên cạnh, em sống bơ vơ, không biết nương tựa vào đâu. Cuộc sống của 3 anh em vô cùng khó khăn nhưng em cố gắng chăm học, phụ các anh làm công việc nhà. Mấy năm qua, nhờ có các cô chú giúp đỡ chi phí sinh hoạt, học tập, em rất biết ơn.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của Tình, thông qua Trung tâm Công tác xã hội, tổ chức phi chính phủ Mỹ HOLT đã tài trợ 70 triệu đồng để xây mới ngôi nhà Tình thương giúp anh em Tình ổn định cuộc sống.
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, bên cạnh tài trợ kinh phí xây dựng nhà, các em có hoàn cảnh khó khăn trong dự án mà tổ chức HOLT tài trợ sẽ được trợ cấp hàng tháng để có chi phí học tập đến hết lớp 12. Hiện toàn tỉnh có gần 20 em đang được tổ chức HOLT hỗ trợ, chăm lo cuộc sống và học tập.
Em Lê Thanh Xuân, 8 tuổi ở thôn Bình Hòa, xã An Dân (huyện Tuy An) bị bệnh vảy nến nên cơ thể luôn ngứa ngáy, đau rát tại những vùng da bị bệnh. Bà Tôn Thị Bông, mẹ em Xuân cho biết: Trên cơ thể cháu da sần sùi, mẩn ngứa từng mảng, lúc đầu tôi tưởng bị viêm da nên mua thuốc bôi, nhưng không hết. Sau đó đi khám các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, Bình Định mới biết con bị bệnh vảy nến, rất khó chữa. Bao năm qua tôi lo thuốc thang cho con chỉ mong con mau lành bệnh. Cũng nhờ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, cuộc sống gia đình tôi bớt thắt ngặt hơn.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 171.219 trẻ em, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 4.034 em, chiếm tỉ lệ 2,3%, trẻ em bị tai nạn thương tích là 1.301 em. Nhiều em có cuộc sống hết sức khó khăn.
Đảm bảo trẻ có cuộc sống an toàn
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu vì trẻ em từ ngân sách còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, giao thông, đuối nước, trẻ em vi phạm pháp luật... Đây là những trường hợp đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải trăn trở trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em, giúp các em có cuộc sống an toàn.
Thời gian tới, tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ phối hợp tổ chức các diễn đàn trẻ em, các buổi giao lưu, tuyên truyền, tư vấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí nhằm thu hút, phát huy quyền tham gia của mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa. Đồng thời đẩy mạnh phong trào xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em các cấp nhằm thu hút nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần hỗ trợ, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập, hòa nhập cộng đồng.
HOÀNG LÊ