Với mức tham gia vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, khi đến tuổi nghỉ hưu, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Đầu tư nhỏ cho tuổi già an nhàn
Từng có ý định rút BHXH một lần, nhưng nghe lời khuyên của cán bộ BHXH và cân nhắc nhu cầu của bản thân, ông Lương Ngọc Ẩn ở xã An Thạch (huyện Tuy An) đã quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở xã An Thạch, ông Lương Ngọc Ẩn hồ hởi khoe mới nhận được lương hưu với mức điều chỉnh mới hơn 2,1 triệu đồng/tháng.
Ông Ẩn cho biết trước đây ông công tác ở Hội Cựu chiến binh xã An Thạch, tổng thời gian tham gia BHXH 16 năm. Sau khi nghỉ công tác, ông có ý định rút BHXH một lần (khoảng vài chục triệu đồng). Tuy nhiên, ông được cán bộ BHXH huyện Tuy An tư vấn nên tiếp tục tham gia đóng BHXH cho đủ thời gian để được hưởng lương hưu hàng tháng. Sau khi cán bộ BHXH cho biết cụ thể từng mức đóng BHXH một lần, số tiền sẽ đóng và mức hưởng, ông Ẩn quyết định đóng thêm cho đủ thời gian. “Tôi cân nhắc và tính toán thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần. Thêm vợ động viên và chia sẻ, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Sau thời gian đóng theo quý, tôi quyết định đóng một lần 4 năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Lúc đó, tôi bán 5 chỉ vàng và gom một phần tiền tiết kiệm để đóng đủ số tiền hơn 40 triệu đồng. Nay hàng tháng được nhận lương hưu, tôi thấy rất thoải mái. Quan trọng hơn là mình có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám chữa bệnh”, ông Lương Ngọc Ẩn chia sẻ.
Tương tự ông Ẩn, ông Trần Văn Hùng ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) công tác ở thôn và đến tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian tham gia BHXH chưa đủ để hưởng lương hưu. Hiểu được ý nghĩa của BHXH, BHYT, ông tiếp tục tham gia và đóng nối tiếp 11 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm. Ông Hùng tâm sự: “Đây là khoản đầu tư nhỏ, nhưng rất hữu ích khi về già. Hàng tháng khi điện thoại báo tin nhắn lương hưu về tài khoản, tôi rất vui. Có lương hưu, có thời gian, tôi có điều kiện thăm bạn bè, đi du lịch”.
Trước kia, bà Nguyễn Thị Yến ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) là công nhân ở nông trường cà phê Sơn Thành. Lúc nông trường giải thể, bà Yến có thời gian tham gia BHXH hơn 10 năm. Mất việc, cuộc sống khó khăn, nhưng sau khi được nhân viên đại lý thu BHXH tư vấn, bà quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. “Giờ cứ đến tháng tôi lại được nhận lương hưu, đỡ phải phụ thuộc vào con cháu, người thân”, bà Yến nói.
Đồ họa: BHXH |
Sự cần thiết tham gia BHXH tự nguyện
Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh phát triển được 14.161 người tham gia BHXH tự nguyện. Nếu so với tỉ lệ dân số thì con số này vẫn còn thấp và rất khó hướng đến việc bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và kết hợp hài hòa các nguyên tắc có đóng, có hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Do đó, để thu hút được đông đảo người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người lao động tự do, ngành BHXH Phú Yên đã đổi mới phương thức tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện. BHXH các địa phương đã tích cực phối hợp với chính quyền lồng ghép vào các buổi truyền thông ở khu dân cư, nơi hội họp chợ…
Theo ông Trần Quang Phương, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH tỉnh), để đảm bảo mọi người dân đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng với tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng được tính theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ 30%; người tham gia thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 20% và người tham gia khác được hỗ trợ 10%. Thời gian hỗ trợ lên đến 10 năm.
Ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH cho hay, nếu chỉ thực hiện BHXH bắt buộc ở khu vực chính thức cho người lao động làm công hưởng lương thì đại đa số người dân không có chế độ BHXH hưu trí khi về già. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và an sinh xã hội cũng không được đảm bảo. Do đó, cần thiết phải vận động người dân khu vực phi chính thức, với sự hỗ trợ mức đóng của Nhà nước, giúp người dân có điều kiện tham gia BHXH.
“Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi về già, có thu nhập ổn định, thường xuyên, không trở thành gánh nặng cho con cháu, người thân. Đây là biện pháp tốt nhất để người dân khu vực phi chính thức chủ động để dành nguồn tài chính an tâm thụ hưởng lúc tuổi già. Trong thời gian hưởng lương hưu, người tham gia BHXH tự nguyện được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh theo chế độ. Ngược lại, người không tham gia BHXH sẽ có nhiều rủi ro như: không được hưởng lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế, phải tự chi trả phí khám chữa bệnh và các chế độ an sinh khác”, Phó Giám đốc BHXH Phan Ngọc Luận phân tích thêm.
VĂN TÀI