Giữa trung tâm thành phố sôi động, ta vẫn có thể bắt gặp một không gian xưa. Trong những khu phố mới tấp nập vẫn còn đó hình ảnh một làng quê yên bình. Những nốt trầm, bổng hài hòa đó góp phần giữ nhịp phát triển cho đô thị văn minh.
Nốt trầm trong phố
Đường Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) san sát những hàng quán kinh doanh. Nếu không khí ở đó sôi động bao nhiêu thì không gian bên trên lại cổ kính, tĩnh lặng bấy nhiêu. Đó là đoạn sông Chùa, cách di tích Tháp Nhạn khoảng 50m về phía tây, nơi bia Chợ Dinh đã tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ IV. Tới ngày nay, bia Chăm cổ này vẫn còn đó. Dù lộ thiên hay bị che khuất, nó vẫn là một phần trong tổng thể phát triển của TP Tuy Hòa, để bất kỳ ai, dù là người Tuy Hòa hay là du khách tham quan, tìm hiểu về di tích Tháp Nhạn đều phải nghiêng mình trước giá trị lịch sử vô giá này.
Không riêng bia Chợ Dinh, ở khắp các phường, xã trên địa bàn thành phố vẫn luôn hiện hữu những không gian xưa giữa nhịp sôi động của một đô thị trung tâm của tỉnh. Bạn bè phương xa yêu thương, trân quý và luôn dõi theo sự phát triển của TP Tuy Hòa ngạc nhiên trước sự thay đổi vượt bậc của thành phố trong 5-10 năm gần đây. Có người sợ Tuy Hòa bị cuốn theo nên thảng thốt “Tuy Hòa ơi chậm lại…”. Chia sẻ cảm xúc lần thứ hai tới Tuy Hòa, chị Bùi Thị Nga ở Hà Nội bày tỏ: Tuy Hòa có nét mộc mạc, hồn hậu mà rất ít đô thị khác có được. Sau 10 năm trở lại đây, tôi thấy nhịp sống sôi động, phát triển hơn rất nhiều nhưng quý nhất là không gian an lành vẫn hiện hữu. Đường, phố mở rộng để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng giúp các điểm di tích - nơi lưu giữ không gian xưa khang trang và dễ tìm đến hơn.
Về xóm truông xưa, nay là khu phố Phước Lý (phường Xuân Yên, TX Sông Cầu), làng biển nghèo được thay bằng hình ảnh trù phú, sung túc của làng tỉ phú tôm hùm. Tuy nhiên, bên những nhà cao tầng, xe cộ, hàng quán sôi động vẫn còn nguyên làng chài bình yên với biển xanh, cát trắng. Đỗ chiếc ô tô 4 chỗ dưới gốc dừa trước nhà, ông Đinh Hoàng Nam tâm sự: Xưa nghèo, người làng phải bỏ quê đi làm ăn xa. Nay quê hương đổi mới, chỉ cần bám biển bám làng là đời sống no đủ. Bãi cát trắng nơi thế hệ tôi xưa đá bóng, tắm biển, nay con cháu tôi cũng vậy. Nhiều đời nối tiếp, một bên gần quốc lộ ngày một sầm uất mang tới nhịp sống hiện đại, còn phía đông hướng ra biển vẫn bình yên như thuở nào. Nhà lầu, xe hơi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu mất đi nét bình yên ấy…
Giữ nhịp phát triển
Hiện nay, trên địa bàn TP Tuy Hòa có 14 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích đặc biệt cấp quốc gia (Tháp Nhạn), 2 di tích quốc gia (Lẫm Phú Lâm, Đài tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968), 11 di tích cấp tỉnh (đình Năng Tịnh, miếu Thiên Hậu, chùa Khánh Sơn, tháp Chăm Đông Tác, lăng Long Thủy…).
Theo đồng chí Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa, các bia, lăng, tháp, lẫm… chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa về truyền thống quê hương, nguồn cội cha ông. Đời sống kinh tế càng phát triển thì những di vật này càng phải được bảo tồn và phát huy. TP Tuy Hòa chủ trương đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ trên cơ sở khai thác những giá trị to lớn của các di tích. Điển hình, thành phố đang xây dựng đề án Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng thôn Long Thủy (xã An Phú) nhằm khôi phục, bảo tồn làng nghề truyền thống theo hướng du lịch sinh thái, đồng thời từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ, du lịch khi xã An Phú lên phường vào năm tới.
Cùng với TP Tuy Hòa, huyện Tuy An cũng đang trong quá trình nâng tầm đô thị từ loại V lên loại IV. Phát huy những giá trị về di tích, cảnh quan, địa phương này lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Địa phương có gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, quần thể Hòn Yến, thành An Thổ, đền thờ Lê Thành Phương, địa đạo Gò Thì Thùng, chùa Từ Quang… là những di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, cấp quốc gia. Để phát huy, huyện Tuy An khuyến khích phát triển các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Trong quá trình hoàn thiện hạ tầng cơ sở theo tiêu chuẩn đô thị loại IV, địa phương cũng tập trung tu bổ, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các di tích, danh thắng này. Đây là cách để đô thị hóa theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống.
Tuy Hòa có nét mộc mạc, hồn hậu mà rất ít đô thị khác có được. Sau 10 năm trở lại đây, tôi thấy nhịp sống sôi động, phát triển hơn rất nhiều nhưng quý nhất là không gian an lành vẫn hiện hữu. Đường, phố mở rộng để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng giúp các điểm di tích - nơi lưu giữ không gian xưa khang trang và dễ tìm đến hơn.
Chị Bùi Thị Nga, du khách đến từ Hà Nội |
MINH DUYÊN