Để giúp đỡ hội viên đang gặp khó khăn về vốn sản xuất, thời gian qua, hội phụ nữ cơ sở ở nhiều địa phương đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ thiết thực. Trong đó, mô hình “Góp vốn xoay vòng” mang lại hiệu quả rõ rệt.
Giúp nhau làm ăn
Mô hình “Góp vốn xoay vòng” giúp hội viên hội LHPN phát triển kinh tế đã trở thành phong trào được cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng; qua đó giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống, kinh tế gia đình.
Hội LHPN xã Ea Trol, huyện Sông Hinh hiện đang quản lý 101 triệu đồng do hội viên đóng góp và xoay vòng cho mượn hàng năm để hội viên có vốn làm ăn. Số vốn có được là do hội LHPN xã vận động những hội viên có kinh tế khá, thu nhập ổn định, mỗi tháng góp vào 100.000 đồng giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn vay không tính lãi và ưu tiên những hộ khó khăn vay trước.
Bà Hà Thị Thìn, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Trol cho biết, hiện xã có 3 thôn, 5 buôn với 582 hội viên phụ nữ, trong đó 3 thôn: Chư Sai, Vĩnh Sơn và Kinh Tế 2 triển khai hiệu quả mô hình “Góp vốn xoay vòng”. Mô hình nhằm giúp các hội viên nghèo đang gặp khó khăn có vốn sản xuất, chăn nuôi; góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình. Tuy số tiền đóng góp mỗi tháng không phải là lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã thành điểm tựa giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn.
Cũng là góp vốn xoay vòng nhưng Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa có cách làm phù hợp để triển khai hiệu quả mô hình. Mỹ Thạnh Trung là thôn có nghề mua nghé, nuôi lên bò cỡ trung rồi bán nên cần nguồn vốn lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, thay vì chia nhỏ, chi hội phụ nữ thôn quyết định tập trung nguồn vốn để cho 2 hộ vay, mỗi hộ 50 triệu đồng làm vốn kinh doanh. Sau một năm, nguồn vốn này được thu hồi, chuyển giao cho các hộ khác có nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Thạnh Trung 1, cho biết: “Người dân ở đây thông thường không có nhu cầu vay vốn nhỏ vì vốn ít quá, làm gì cũng khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi cho vay số vốn lớn, lấy lãi theo lãi suất ngân hàng và tiền lãi ấy tiếp tục nhập vào gốc để xoay vòng cho các chị em có nhu cầu. Vì có hội phụ nữ đứng ra làm cầu nối, đảm bảo không mất mát, dễ tham gia nên chị em góp vốn rất nhiệt tình và trả đúng hạn”.
Nhân rộng mô hình
Thời gian qua, hoạt động tổ góp vốn xoay vòng ở các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết nhiều khó khăn cho gia đình hội viên phụ nữ. Việc vay vốn được các tổ góp vốn xoay vòng thực hiện nhanh gọn và kịp thời; tạo động lực giúp chị em phụ nữ vững tin, phấn đấu làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hội LHPN cơ sở vẫn đang tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình để thời gian tới càng có nhiều chị em được tham gia và phát triển kinh tế gia đình.
Bà Đào Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết, hội viên tham gia vào mô hình là những người khó khăn thực sự, cần vốn để làm ăn. Tại phường Phú Lâm, dù mô hình mới được triển khai thời gian gần đây nhưng chị em rất phấn khởi tham gia. Hiện phường đã có 3 mô hình ở 2 khu phố nhưng dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai từ 1-2 mô hình ở mỗi khu phố.
Gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Hưng, khu phố 5, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa canh tác rau màu trên 2 sào đất. Chị Hưng cho biết, thời gian qua, nhờ hội LHPN phường triển khai mô hình “Góp vốn xoay vòng” mà nhiều chị em trong khu phố có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, mua giống rau màu. “Để công bằng, các chị em sẽ bốc thăm để nhận tiền nhưng nếu có người gặp khó khăn hoặc đột xuất cần tiền, mọi người sẽ nhường nhận trước. Cũng nhờ số vốn của mô hình mà nhiều chị em cải thiện được cuộc sống. Mô hình rất thiết thực, ý nghĩa nên nếu được nhân rộng sẽ có nhiều người tham gia”, chị Hưng cho biết.
Qua thực tế triển khai nhiều năm cho thấy, mô hình “Góp vốn xoay vòng” không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, mà còn hình thành ở hội viên ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo; góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đây cũng chính là sức mạnh thu hút, tập hợp cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Mô hình “Góp vốn xoay vòng” là hình thức giúp các hội viên nghèo đang gặp khó khăn về vốn có vốn sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình. Tuy số tiền đóng góp mỗi tháng không phải là lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã thành điểm tựa giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống gia đình. |
THÁI HÀ