Bản ghi nhớ về chương trình phái cử, tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản sẽ mở rộng đối tượng tuyển chọn, yêu cầu của chương trình cao hơn nhưng vẫn triển khai theo hướng phi lợi nhuận, tạo thêm cơ hội việc làm cho thanh niên.
Đây là thông tin được Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết tại Lễ ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử, tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản giữa Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) diễn ra hôm nay, 20/6, tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết từ năm 2006 đến nay, Bộ LĐ-TB-XH cùng IM Japan đã ký thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam đang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Thỏa thuận này đã được ký lại năm 2010 và năm 2016. Đến nay, hai bên đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử 7.734 học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc 81 huyện nghèo, bãi ngang, ven biển, hải đảo sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, trong đó có 6.852 thưc tập sinh xuất cảnh lần đầu và 882 thực tập sinh tái nhập cảnh.
Bản ghi nhớ mới vừa được ký hôm nay bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia chương trình như: Mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18-30 tuổi (trước đây tuyển chọn ứng viên từ 20-30 tuổi) để giúp chương trình có thêm nguồn lao động trẻ, năng động đồng thời tiếp tục góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, chương trình ký kết mới cũng tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động; chi trả tiền khuyến khích sự nghiệp cho cả đối tượng thực tập sinh kỹ năng đang thực tập giai đoạn 3 phải dừng chương trình thực tập và về nước giữa chừng vì lý do cá nhân; bổ sung mức chi trả tiền nhà tại Nhật Bản cho thực tập sinh không vượt quá 15% tiền lương cơ bản.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đây là chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn đảm bảo thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng. Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đoàn tạo chính thức. Việc này đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn, lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nguyện vọng đăng ký tham dự.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ trong chuyến thăm thực tế tại Nhật Bản cho thấy các nghiệp đoàn, doanh nghiệp đã chăm lo tốt nơi ăn, chốn ở, công việc tại công xưởng cho các thực tập sinh. Bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, của chương trình IM Japan bố trí, các nghiệp đoàn, doanh nghiệp đều có các chính sách đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em có nguồn thu nhập. Nhiều thực tập sinh về nước đã mở các cơ sở sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế địa phương, truyền lửa cho các bạn khác tiếp tục thực tập và làm việc tại nước ngoài.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm Chủ tịch IM Japan có đề xuất với Bộ LĐ-TB-XH về việc phối hợp mở rộng Chương trình kỹ năng đặc định mà Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý nội dung đề xuất này.
Tại buổi lễ, ông Kanamori Hitoshi, Chủ tịch IM Japan cho biết các công ty tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đánh giá cao các thực tập sinh Việt Nam học hành chăm chỉ, có năng lực, kỷ luật tốt. IM Japan mong muốn tiếp tục hợp tác để chương trình ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích giúp thực tập sinh Việt Nam có thu nhập cao, tích lũy được vốn để lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình và đất nước sau khi về nước.
Theo Vietnam+