Chủ Nhật, 24/11/2024 23:08 CH
Ngôi nhà chung của người khiếm thị
Thứ Tư, 08/06/2022 13:05 CH

Các nhà hảo tâm tặng quà cho người mù trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HOÀNG LÊ

Hội Người mù Phú Yên là một tổ chức xã hội, được thành lập để góp phần cùng toàn dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tập hợp, động viên người mù chăm lo, giúp đỡ nhau về xã hội, văn hóa và nghề nghiệp, tạo môi trường để người mù phấn đấu vươn lên, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Toàn tỉnh hiện có 8/9 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức hội người mù và 5/110 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội, với 1.145 hội viên.

 

Tạo cơ hội cho người mù vươn lên

 

Với tôn chỉ hoạt động “tàn nhưng không phế”, Hội Người mù tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và người khiếm thị trên địa bàn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, giảm bớt phụ thuộc vào gia đình và cộng đồng, tham gia lao động sản xuất theo khả năng.

 

Tỉnh hội đã phối hợp, giới thiệu 34 hội viên trong độ tuổi lao động tham gia các khóa học nghề ngắn hạn tại các trung tâm đào tạo phục hồi chức năng, cơ sở massage trong và ngoài tỉnh. Sau khi hoàn thành khóa học, tất cả hội viên đều có công việc ổn định. Đến nay, 47 hội viên đang làm nghề truyền thống xoa bóp ấn huyệt, thu nhập ổn định hàng tháng trên 3 triệu đồng/người. Nhiều hội viên không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ gia đình, đóng góp cho xã hội. Một số hội viên sau khi tích góp kinh nghiệm đã tự mở cơ sở massage, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Để phát triển hơn nữa nghề xoa bóp ấn huyệt, hàng năm, Hội Người mù tỉnh vận động, kêu gọi hội viên đủ khả năng lao động tham gia học nghề, nâng cao tay nghề nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên. Một số hội cấp huyện chủ động tổ chức tổ dịch vụ tăm tre, thu hút nhiều lao động. Các tổ dịch vụ này đã tiêu thụ hàng trăm ngàn gói, lợi nhuận sau khi trừ chi phí 175 triệu đồng, giúp nhiều hội viên có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống và một phần gây quỹ hội.

 

Để khẳng định khả năng, nghị lực và giảm sự lệ thuộc vào gia đình, xã hội, giải quyết mong muốn có việc làm của người mù, thấu hiểu được nhu cầu chính đáng của hội viên, trong nhiệm kỳ qua, chương trình vay vốn quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục được các cấp hội triển khai rộng khắp và luôn coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm vẫn đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, giúp hàng trăm người mù có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, vươn lên thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng.

 

Hiện nay, Hội Người mù tỉnh tiếp tục triển khai các dự án vay vốn, chủ yếu theo mô hình hộ gia đình. Đến nay còn 12 dự án đang thực hiện. Tuy nguồn vốn còn hạn chế nhưng đã giúp nhiều người có việc làm, ổn định đời sống, một số hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Thông qua chương trình vay vốn quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên phát triển kinh tế gia đình bằng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, tự tạo thêm việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, chủ yếu là người mù. Đời sống hội viên từng bước được cải thiện và phát triển theo hướng bền vững. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, có 134 dự án được thực hiện, giải quyết việc làm cho 276 lao động, trong đó 75% người mù trực tiếp tham gia chăn nuôi, sản xuất.

 

Không dừng lại ở việc vay vốn, tạo việc làm, trong nhiệm kỳ qua, các cấp hội người mù trong tỉnh đã tìm mọi biện pháp để chăm sóc đời sống hội viên. Ban chấp hành tỉnh hội xác định, người mù là đối tượng dễ bị tổn thương, cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội, hầu hết hội viên người mù sống dựa vào người thân và gia đình. Vì thế, hàng năm, tỉnh hội chú trọng công tác vận động tặng quà giúp đỡ cho những hội viên thực sự khó khăn. Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội địa phương còn gặp nhiều thách thức, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, lũ lụt, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, tỉnh hội cùng với hội người mù các huyện, thị xã, thành phố, kết hợp với địa phương, tổ chức, cá nhân từ thiện kêu gọi, vận động được gần 3 tỉ đồng. Số tiền này được các cấp hội sử dụng để trợ cấp khó khăn đột xuất, tặng quà nhân ngày lễ, tết cho 7.160 lượt hội viên.

 

Hội Người mù tỉnh tặng quà cho các hội viên. Ảnh: CTV

 

Vượt lên chính mình

 

Tất cả cán bộ, hội viên người mù luôn chấp hành đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hội viên tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Hoạt động hội gắn liền với các chương trình mục tiêu của địa phương, tuyên truyền cán bộ, hội viên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế”.

 

Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh còn tiếp nhận báo đời mới, sách chữ nổi, truyền tải đến với hội viên; đăng ký tiếp nhận, mượn trên 1.000 đầu đĩa CD của Thư viện sách nói TP Hồ Chí Minh và Thư viện tỉnh. Nội dung sách, báo, băng đĩa đa dạng về lịch sử cách mạng Việt Nam, về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những mẩu chuyện giúp ích cho người mù về kỹ năng sống, điển hình người mù sản xuất giỏi… để phục vụ cho những cán bộ, hội viên có nhu cầu học tập, rèn luyện, giúp cuộc sống người mù được tốt hơn. Cũng nhờ vậy mà tổ chức hội ngày càng được khẳng định và lan tỏa rộng rãi.

 

Người mù được chăm sóc về cơ sở vật chất, tham gia nhiều sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước và của hội là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, người mù mong muốn có nhiều hơn những sự kiện, hội thi tay nghề, văn hóa, văn nghệ để được thể hiện bản thân, tạo môi trường phấn đấu vươn lên, khẳng định khả năng, nghị lực của người mù.

 

Do đó, trong nhiệm kỳ mới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình hành động việc làm, giảm nghèo do Trung ương hội phát động. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay quỹ quốc gia về việc làm; duy trì, phát triển các dự án vay vốn, tạo sinh kế cho bà con hội viên. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tiếp nhận, bổ sung nguồn vốn vay, giải quyết việc làm thường xuyên cho 100 lao động, đôn đốc thu hồi gốc và lãi đúng kỳ hạn. Tăng cường công tác dạy nghề, định hướng hội viên đến với nghề xoa bóp ấn huyệt, vì đây là nghề mũi nhọn, có thu nhập ổn định và rất phù hợp với người mù. Hàng năm, các cấp hội điều tra nắm bắt số hội viên có nhu cầu học nghề, qua đó động viên hướng dẫn hội viên tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn tại trung tâm đào tạo phục hồi chức năng dành cho người mù, các cơ sở dịch vụ massage trong và ngoài tỉnh. Các cấp hội phấn đấu mở cơ sở dịch vụ massage do tổ chức hội đứng ra làm chủ nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và đảm bảo một phần kinh phí hoạt động.

 

Dù là những số phận kém may mắn trong xã hội, nhưng với sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ Hội Người mù tỉnh và cộng đồng, anh chị em hội viên đã và đang nỗ lực vượt lên chính mình, tự tin sống và làm việc theo khả năng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 

Dù là những số phận kém may mắn trong xã hội, nhưng với sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ Hội Người mù tỉnh và cộng đồng, anh chị em hội viên đã và đang nỗ lực vượt lên chính mình, tự tin sống và làm việc theo khả năng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 

HOÀNG TỰ ĐIỂN

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek