Thứ Hai, 25/11/2024 15:00 CH
Chung tay bảo vệ những mầm xanh
Thứ Tư, 01/06/2022 07:00 SA

Trẻ em được phụ huynh đưa đến thư viện để đọc sách - một hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, cần được phát huy và nhân rộng trong dịp hè. Ảnh: KIM CHI

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, tháng Hành động vì trẻ em năm 2022 diễn ra từ ngày 1-30/6 nhằm khẳng định: Nhà nước, Nhân dân, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo luôn dành cho trẻ em những tình cảm, sự chăm lo và sự phát triển tốt nhất. Trẻ em phải được sống trong môi trường an lành và phát triển.

 

Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) nhưng tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

 

Vấn nạn đáng báo động

 

Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành và XHTE đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về quy mô, thủ đoạn và cách thức thực hiện. Lợi dụng sự quen biết, sự mất cảnh giác của cha mẹ, người thân…, những đối tượng bất hảo dụ dỗ trẻ em khi ở nhà một mình... Đặc biệt, với tốc độ phát triển của mạng xã hội hiện nay, một số đối tượng làm quen qua mạng xã hội, sau đó thực hiện hành vi xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em.

 

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình cả nước có 1.600-1.800 vụ XHTE được phát hiện. Trong số 1.000 vụ XHTD, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%). Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Đây là vấn đề rất đáng báo động.

 

Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Năm 2021, toàn tỉnh có 5 trường hợp trẻ em bị XHTD và một số trường hợp trẻ em bị bạo lực đã được các cơ quan chức năng xử lý. Từ đầu năm đến nay, Phú Yên không xảy ra trường hợp XHTE. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đang có lối sống thực dụng, bị tác động bởi phim ảnh bạo lực; tình trạng ly hôn, ly thân trong gia đình... dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở cả trẻ em và người lớn, làm cho trẻ có nguy cơ cao bị bỏ rơi, vi phạm pháp luật và bị bạo lực, xâm hại. Điều đáng quan tâm, những vụ bạo lực trẻ em ngay chính trong ngôi nhà của mình - nơi mà trẻ em được bảo vệ, được chăm sóc tốt nhất, an toàn nhất, khiến không ít người bàng hoàng về cách ứng xử đối với trẻ em của nhiều người trong vai trò người thân, người làm cha, làm mẹ.

 

Em Nguyễn Thị Phượng, lớp 8B Trường THCS Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) nói: “Chúng em rất mong muốn được tạo mọi điều kiện tốt nhất, có những sân chơi bổ ích để được sống trong môi trường an toàn. Các vấn đề bảo vệ trẻ em trước các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, những ảnh hưởng đến từ môi trường mạng internet... cần được quan tâm để chúng em được sống đúng với lứa tuổi của mình”.

 

Tăng cường hoạt động vui chơi, giải trí an toàn

 

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trong những năm qua, nhiều chính sách và chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giải quyết được nhiều vấn đề trẻ em. Quyền của trẻ em được thực hiện đảm bảo. Công tác tuyên truyền, vận động xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em được mọi tầng lớp Nhân dân quan tâm; không xảy ra những vụ việc bạo lực, xâm hại nghiêm trọng.

 

Hưởng ứng tháng Hành động vì trẻ em năm 2022, Sở LĐ-TB-XH đã có văn bản hướng dẫn triển khai kế hoạch của UBND tỉnh. Qua đó tăng cường trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình; quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

 

Theo đó, tháng Hành động vì trẻ em sẽ diễn ra nhiều hoạt động, như tổ chức truyền thông bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong trường học. Tổ chức các điểm vui chơi an toàn, lành mạnh bổ ích cho trẻ em. Hỗ trợ pháp lý cho gia đình có trẻ em bị xâm hại, bạo lực tránh trường hợp tạo điểm nóng dư luận xã hội. Các xã, phường, thị trấn tăng cường các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng chống tình trạng trẻ em bỏ học; bảo vệ trẻ em; thông tin tố cáo hành vi bạo lực, XHTE, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương và tuân thủ các hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19; chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

 

“Tháng Hành động vì trẻ em là dịp để mỗi chúng ta thể hiện sự quan tâm và ưu tiên cho trẻ em để tất cả trẻ em đều được đến trường, được tiếp cận giáo dục có chất lượng. Tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, được hưởng các chính sách an sinh xã hội và được vui chơi, giải trí trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh nhất”, bà Phạm Thị Minh Hiền khẳng định.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek