Dịch bệnh COVID-19 kéo dài gây không ít khó khăn cho việc điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần. Các ngành chức năng đang triển khai một số giải pháp khắc phục nhằm giúp người bệnh tâm thần tái hòa nhập cộng đồng, phục hồi chức năng sống và các mối quan hệ xã hội.
Tâm thần là bệnh lý gây ra do tổn thương thực thể hoặc chức năng thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, chăm sóc bệnh nhân tâm thần cần sự phối hợp giữa bác sĩ và gia đình.
Hỗ trợ trong điều trị
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tâm thần điển hình thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần như: động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu và ma túy... Người bệnh tâm thần sẽ có biểu hiện bất thường về lời nói, hành động, nhân cách so với những người bình thường.
Theo thống kê, Phú Yên hiện có gần 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó, 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Hầu hết gia đình người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, trong khi các chương trình và chính sách xã hội dành cho các đối tượng này còn hạn chế. Vì vậy, việc phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội để trợ giúp sức khỏe người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng là giải pháp cần thiết và hữu hiệu.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình Chăm sóc sức khỏe NTT dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc bệnh nhân mới, quản lý tốt số bệnh nhân cũ.
Chị N.L.L (phường 4, TP Tuy Hòa) có em là N.T (SN 1978) bị bệnh tâm thần, có lúc không mặc quần áo đi lang thang khắp xóm. Chị L cho biết: “Trước đây, T rất hiền. Nhưng từ sau khi tâm trí bất thường, T trở nên ngây dại, có khi bị kích động nên lúc nào gia đình cũng cử người canh giữ”.
Để có kiến thức chăm sóc NTT, chị L tham gia lớp hướng dẫn, chăm sóc phục hồi chức năng cho NTT do Sở LĐ-TB-XH tổ chức. Qua lớp tập huấn, chị nắm bắt được những kiến thức cơ bản về tâm lý khi tiếp xúc, nói năng nhỏ nhẹ, gần gũi với bệnh nhân. Những lúc bệnh nhân lên cơn kích động, không làm chủ được bản thân thì tránh xa đề phòng bất trắc xảy ra.
“Với tình yêu thương, tôi luôn chịu đựng và kiên nhẫn. Khi em có những phản ứng do ảo giác, hoang tưởng, tôi xử trí bằng cách giải thích, vỗ về, giảm sang chấn. Đồng thời tạo cơ hội và động viên, khích lệ bằng những lời khen”, chị L chia sẻ.
Tăng cường trợ giúp hòa nhập cộng đồng
Do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, số lượng NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được trợ giúp kịp thời. Hơn nữa, các mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, gia đình vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai.
Anh La Tiến Xuân, cộng tác viên công tác xã hội xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) nói: Ở vùng núi, khi nói tới bệnh tâm thần, người nhà của bệnh nhân không chịu chữa trị đúng cách mà vẫn cho rằng bệnh này là do một thế lực ma quỷ, chúa trời xử phạt kiếp trước hay do số phận định đoạt. Vì vậy, chúng tôi phải giải thích, tư vấn giúp gia đình người bệnh thay đổi quan điểm, từ đó đưa ra cách chữa trị phù hợp.
Theo ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), để triển khai trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với NTT, người rối nhiễu tâm trí.
Các đơn vị chức năng đề ra giải pháp triển khai dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với NTT và người rối nhiễu tâm trí. Phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục NTT, người rối nhiễu tâm trí phù hợp với nhu cầu đa dạng. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, phấn đấu xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với gia đình NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Ưu tiên gia đình NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm… Các hoạt động này kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho những đối tượng này hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội.
Phú Yên phấn đấu hàng năm, ít nhất 80% NTT nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% NTT lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH |
HOÀNG LÊ