Để tới Dịch trạm Phú Vinh (xã An Phú) phải vượt qua đoạn đồi dốc với đá và cây bụi um tùm; muốn tới được Tháp Chăm Đông Tác (phường Phú Thạnh) phải trèo qua tường công trình trường học. Và để ngắm được địa danh Bia Chợ Dinh (phường 1) phải đi nhờ tầng cao của nhà dân… Trong khi những di tích này mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử với những tiềm năng về văn hóa và du lịch chưa được khai thác.
TS Đào Nhật Kim, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường đại học Phú Yên) cho biết: Các di tích này có giá trị lịch sử văn hóa rất lớn, như bia Chợ Dinh có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV, đầu thế kỷ thứ V sau Công nguyên; Tháp Chăm Đông Tác tuy chỉ còn ở dạng phế tích nhưng ngôi tháp này là di sản văn hóa vật thể quan trọng đối với các nhà khoa học khi nghiên cứu về văn hóa Chăm pa trên đất Phú Yên; hay Dịch trạm Phú Vinh thuộc hệ thống 6 trạm trên đường thiên lý Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh dưới triều Nguyễn. Về giá trị du lịch, bia Chợ Dinh là một phiến đá tự nhiên ăn sâu vào núi Nhạn sẽ cùng Tháp Nhạn trở thành quần thể di tích quan trọng của đô thị Tuy Hòa. Đặc biệt quần thể Dịch trạm Phú Vinh nằm ở độ cao 40m so với mực nước biển, đứng từ đây nhìn xuống ngắm được toàn bộ khung cảnh TP Tuy Hòa. Rải rác khắp nơi trong khuôn viên quần thể này có 5 giếng tự nhiên quanh năm không thiếu nước cùng các phiến đá, hệ sinh thái thực vật. Tất cả hỗ trợ cho di tích dịch trạm trở thành điểm du lịch văn hóa lịch sử nhiều tiềm năng…
Anh Nguyễn Văn Lựu, một người dân địa phương sống gần Dịch trạm Phú Vinh chia sẻ: Đa số người dân vùng này có thói quen lên đây ngắm cảnh, không khí mát mẻ, trong lành. Nhiều hộ còn trồng rau trên những vuông đất thịt hay thả bò vì có sẵn nước và cây cỏ tốt tươi.
Hiện các di tích nói trên chưa được khai thác. Để đánh thức những tiềm năng này, lãnh đạo TP Tuy Hòa có phương án khai thác và bảo vệ. Theo ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, thành phố đã khảo sát để nắm lại hiện trạng và có đánh giá cơ bản về giá trị lịch sử, văn hóa cũng như tiềm năng du lịch của các di tích này. Địa phương khai thác theo hướng các di tích trở thành điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể khu dân cư, khu đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, vừa tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Với những di tích bỏ hoang, thành phố sẽ cắm mốc giới khu vực để bảo vệ nguyên trạng và lập hồ sơ quy hoạch xếp hạng. Những di tích bị xâm lấn, thành phố sẽ di dời các hộ dân hay mở đường tiếp cận mới như di tích Bia Chợ Dinh, Tháp Chăm Đông Tác…
BẠCH VÂN