Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp khai mạc Hội báo toàn quốc 2022 (ngày 13/4), ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Hội Báo toàn quốc 2022, nêu rõ: Đại dịch COVID-19 đã cho thấy bên cạnh những lợi ích thì mạng xã hội ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, trở thành nơi phát tán tin giả, tin thất thiệt.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. Ảnh: TTXVN |
Chính trong lúc này, báo chí càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, bám sát những giá trị cốt lõi thông qua việc cung cấp các tin - bài phản biện kịp thời với các ý kiến trung thực, thông tin chính xác và đa chiều, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.
Thế nhưng, không ít tờ báo, nhất là báo điện tử, lại “hùa” với mạng xã hội, sa vào “thiên kiến tiêu cực” khiến cho bức tranh xã hội qua con mắt của một số phóng viên trở nên xám xịt, với lời biện minh là “để đáp ứng nhu cầu được thông tin của bạn đọc”.
Thế nào là “thiên kiến tiêu cực?”
Các chuyên gia tâm lý từ lâu đã nhận thấy rằng trong cuộc sống những lời chỉ trích thường có tác động mạnh hơn những lời khen ngợi, những thông tin xấu thường thu hút nhiều sự chú ý hơn là thông tin tốt. Những sự tiêu cực có tác động đến não bộ của chúng ta nhiều hơn những sự tích cực. Các nhà tâm lý học gọi đây là “thiên kiến tiêu cực” (hay còn gọi là khuynh hướng tiêu cực).
Cụ thể, “thiên kiến tiêu cực” là xu hướng dễ dàng ghi nhận và chú ý vào những kích thích tiêu cực, nó còn được gọi là sự bất đối xứng giữa tích cực và tiêu cực. “Thiên kiến tiêu cực” cũng có nghĩa là dễ dàng quở trách ai đó mạnh mẽ hơn thay vì ngợi khen, bất chấp thực tế là người này đang làm việc tích cực.
Chúng ta thường ghi nhớ những đau đớn, mất mát, những gì không tốt đẹp nhiều hơn những trải nghiệm tích cực; phản ứng với những kích thích tiêu cực mạnh mẽ hơn; thường xuyên nghĩ về những điều tiêu cực hơn.
Các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng trong một loạt các sự kiện tâm lý thì mọi người có xu hướng tập trung nhiều hơn vào điều tiêu cực, học hỏi từ những kết quả và trải nghiệm tiêu cực, sau đó đưa ra quyết định dựa trên những thông tin tiêu cực nhiều hơn là dựa vào dữ liệu tích cực.
Các nghiên cứu tâm lý cũng cho thấy rằng “thiên kiến tiêu cực” ảnh hưởng đến động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Thay vì tập trung vào những gì bạn sẽ đạt được thì “thiên kiến tiêu cực” có thể khiến bạn tập trung vào những gì có thể phải từ bỏ để đạt được mục tiêu đó.
Những thông tin tiêu cực có nhiều khả năng được coi là “trung thực” hơn. Sự tiêu cực thu hút chú ý nhiều hơn, có thể được coi là có giá trị cao hơn. Điều này giải thích vì sao thông tin xấu thu hút nhiều sự chú ý hơn của chúng ta.
Đây là tâm lý của con người nói chung, bất kể màu da, sắc tộc, quốc gia. Đó cũng là lý do giải thích cho việc tin tức tiêu cực trên báo chí lại ăn khách ở mọi nơi trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Báo chí “thích” đưa tin về thiên tai, thảm họa hay những vụ tai tiếng liên quan đến tham nhũng là vì bạn đọc bị cuốn hút bởi các tin tiêu cực như vậy mà bản thân họ không hề hay biết. Đó là kết luận của nhà tâm lý học nổi tiếng Tom Stafford tại Trường Đại học Sheffield (Anh).
Các nhà nghiên cứu Marc Trussler và Stuart Soroka đã làm một thử nghiệm tại Trường Đại học McGill (Canada) để kiểm chứng điều này. Những tình nguyện viên được đề nghị chọn một số câu chuyện về chủ đề chính trị trên một trang tin tức. Đồng thời, một camera được sử dụng để theo dõi và đo đạc các chuyển động nhãn cầu của những người này.
Kết quả cho thấy, những người tham gia thử nghiệm thường chọn các câu chuyện mang tính tiêu cực (các vụ tai tiếng liên quan đến tham nhũng hoặc những mẩu chuyện bất hạnh) chứ không phải những câu chuyện mang tính trung lập hoặc tích cực. Đáng chú ý là những người quan tâm đến chủ đề chính trị thường chỉ chọn các tin tiêu cực.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (giữa), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (phải) và Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang tại Hội báo toàn quốc 2022. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, khi được hỏi thì các tình nguyện viên lại cho biết họ chỉ thích những tin tích cực và đổi lỗi cho truyền thông tập trung quá nhiều vào các mẩu chuyện tiêu cực.
Các nhà nghiên cứu gọi đây là bằng chứng của sự “lệch về phía tiêu cực” - định nghĩa được các nhà tâm lý học sử dụng để miêu tả nhu cầu cần được nghe và đọc tin tức tiêu cực.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta thích cảm thấy sung sướng trên nỗi đau của người khác mà những tin tức tiêu cực có thể là tín hiệu báo cho chúng ta cần phải thay đổi để tránh nguy hiểm. Con người thường phản ứng nhanh hơn trước những từ như "ung thư", "bom", "chiến tranh" hơn là những từ như "nụ cười" hay "niềm vui”.
Độc giả thích thế - không phải là lời biện minh
Trên nhiều tờ báo và trang tin ở Việt Nam gần đây cũng tràn ngập các thông tin tiêu cực, từ “sự cố” ở các doanh nghiệp FLC, Tân Hoàng Minh đến những vụ “chồng giết vợ”, “vợ sát hại chồng”, “cha đánh chết con”, “con đoạt mạng mẹ”, “học sinh tự tử”, “kẹt xe kinh hoàng vào ngày cuối kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ...”
Những thông tin này không phải là “fake news” (tin giả) và bạn đọc cũng cần được thông tin về những vụ việc này. Vấn đề là ở liều lượng phù hợp để không sa vào tình trạng “lệch pha về tiêu cực”, tạo nên bức tranh xã hội màu xám không tương thích với thực tế cuộc sống là đa hương, đa sắc.
Trong khi mạng xã hội bị báo chí chỉ trích là tung tin giả, tin không được kiểm chứng, thiên về thông tin tiêu cực thì chính báo chí, nhất là báo điện tử, trang tin giải trí, cũng sa đà vào việc "giật tít câu view”.
Có những phóng viên biện minh rằng họ làm đúng chức năng “thông tin sự việc”, “đáp ứng nhu cầu của độc giả”. Tuy nhiên, điều này không tuân thủ chính xác chức năng, nhiệm vụ của báo chí theo Luật Báo chí năm 2016. Theo đó, báo chí có nhiệm vụ “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. Ảnh: TTXVN |
Việc đưa tin theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, chạy theo thị hiếu “thiên kiến tiêu cực” của độc giả chẳng những không phải là cách thông tin trung thực về tình hình đất nước, không tuân thủ tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí mà còn không đáp ứng được nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân. Cần lưu ý đến cụm từ “nhu cầu văn hóa lành mạnh” chứ không phải chỉ là nhu cầu “thỏa trí tò mò” đơn thuần.
Mặt khác, việc đưa tin “lệch về tiêu cực” không chỉ lỗi từ phía phóng viên, mà còn có phần trách nhiệm quan trọng của lãnh đạo tòa soạn và cơ quan chủ quản. Khi nào vẫn còn cách chấm điểm, tính nhuận bút theo lượng tương tác của ngươi đọc để hút quảng cáo nhằm làm “kinh tế báo chí” mà bất chấp hệ quả đối với xã hội thì hiện tượng giật tít câu view, thiên về đưa tin mặt trái vẫn còn tồn tại.
Liên quan đến vấn đề nói trên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng chính trị tư tưởng, thực hiện tôn chỉ, mục đích, hoạt động tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp... của các cơ quan báo chí; kiên quyết phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, trong đó chú trọng phát huy hơn nữa trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện nghiêm giai đoạn hai của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại. Thực tiễn cho thấy, kinh tế báo chí vẫn đang là bài toán chưa có lời giải hiệu quả đối với đa số các cơ quan báo chí”.
Muốn chống thì phải xây
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến những tấm gương người tốt, việc tốt. Ngay từ năm 1959 Bác đã suy nghĩ về việc dùng huy hiệu của mình như thế nào để phát huy được tác dụng trong nhân dân.
Theo Bác, cần có những phần thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích những người hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Bác cho rằng lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là “một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".
Khách tham quan tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. Ảnh: TTXVN |
Trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, phong trào viết về gương người tốt, việc tốt trên báo chí nước ta nở rộ. Hiện nay, một số tờ báo vẫn còn duy trì được mục này nhưng chất lượng nhìn chung bị đánh giá là nhạt, không hấp dẫn bạn đọc.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhận xét: Trong thời gian tương đối dài đã xuất hiện tình trạng có một số nhà báo, một số cơ quan báo chí dường như chỉ hứng thú với việc nêu mặt xấu, mặt tiêu cực trong xã hội mà quên đi trách nhiệm ca ngợi cái tốt, tôn vinh cái đẹp, phê phán cái xấu. Trong khi trách nhiệm của báo chí vẫn là phải góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội, phải hướng xã hội đến điều tốt đẹp.
Gần đây, do đã có những chấn chỉnh mạnh mẽ và quyết liệt từ các cơ quan quản lý, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể và chúng ta thấy rằng trên mặt báo đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những thông tin tích cực, những việc làm tốt, những con người điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, so với tin bài nói về mặt trái, mặt xấu thì tỷ lệ tin bài nêu về người tốt việc tốt vẫn còn ít.
Bên cạnh tâm lý “thiên kiến tiêu cực” của người đọc thì một thực tế không thể phủ nhận, theo ông Hồ Quang Lợi, là cách viết chưa đủ sức lay động, nhà báo chưa dồn vào đó nhiều tâm huyết để làm cho những việc tốt, những con người tốt đó, những câu chuyện của họ khiến người khác xúc động. Ở đây còn là câu chuyện về trình độ, năng lực và cả tâm huyết của người làm nghề.
Khách tham quan tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. Ảnh: TTXVN |
Thời gian qua, cũng có những tờ báo duy trì rất thường xuyên chuyên mục viết về gương người tốt, việc tốt, nhưng đôi khi bài báo như một dạng trích ngang lý lịch, kể lể rất thô sơ và chẳng gợi lên một điều gì.
Muốn chống thì phải xây. Để tránh tình trạng “lệch pha về tiêu cực” thì báo chí cần đẩy mạnh việc đưa những thông tin tích cực như hai tấm gương quên mình cứu người vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm.
Cụ thể, ngày 9/4, anh Nguyễn Đức Chính (Tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã không ngại nguy hiểm nhảy từ cầu Thịnh Long ở độ cao khoảng 30m xuống sông Ninh Cơ để cứu một nữ sinh lớp 8, đưa vào bờ an toàn.
Ngày 10/4, tại bờ biển xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung úy Thái Ngô Hiếu (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Đồng Nai) đã vượt những cơn sóng lớn để đưa bốn người vào bờ và sơ cứu kịp thời.
Trong cuộc sống có nhiều điều đẹp đẽ và trách nhiệm của các cơ quan báo chí và những người làm báo là phải chú trọng hơn nữa việc phát hiện và lan tỏa những gương tốt, điển hình, những cái hay, cái đẹp trong xã hội.
Một trong những vấn đề lớn được nêu ra đối với các cơ quan báo chí tại Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào ngày 24/12/2021, là: Góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả.
Theo TTXVN/Vietnam+