Giai đoạn 2021-2030, các hoạt động truyền thông, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ tiếp tục đổi mới. Trong đó chú trọng tạo điều kiện cho trẻ em được tham vấn ý kiến, tham gia vào các chương trình kế hoạch của địa phương, của nhà trường.
Bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên viên Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Trước nguy cơ trẻ em bị xâm hại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trong 2 năm qua, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn gia đình, trẻ em truy cập vào các đường link, video, tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Cục Trẻ em phát hành để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ.
Song song đó, trong năm 2021, Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên cũng tổ chức các lớp truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em tại 60 điểm trường học trên địa bàn huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và TX Sông Cầu. “Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, thông qua Tổng đài bảo vệ trẻ em của tỉnh là (0257)389000, trung tâm đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên cho biết thêm.
Tại các buổi truyền thông, tư vấn qua điện thoại, nhiều em quan tâm đến vấn đề hỗ trợ khi có người thân bị COVID. Em Lê Kim Hoa ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) nói: Dịch COVID-19, chúng em bị ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần, học hành vất vả. Các buổi truyền thông tư vấn, hướng dẫn giúp chúng em biết cách sống an toàn trong đại dịch, tránh bị trầm cảm…”.
Còn theo em Đỗ Duy Anh Tuấn (huyện Tây Hòa), những buổi truyền thông, đối thoại cần được tổ chức nhiều hơn nữa để các em có cơ hội bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội.
Để hoạt động truyền thông về quyền tham gia của trẻ em đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn 2021-2030, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, ngành sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm vận động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em để thực hiện các quyền của trẻ em. Trong đó chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hiện công tác quyền tham gia của trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ em được tham vấn ý kiến, tham gia vào các chương trình kế hoạch của địa phương, của nhà trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
HOÀNG LÊ