Thứ Sáu, 20/09/2024 08:22 SA
Khôi phục và phát triển thị trường lao động
Thứ Tư, 09/03/2022 16:00 CH

Người lao động hoàn thành hồ sơ tìm việc tại TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM CHI

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.

 

Phú Yên cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển thị trường lao động (TTLĐ) trong trạng thái bình thường mới.

 

Thúc đẩy TTLĐ phát triển

 

Ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH cho biết: Những năm qua, kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng. Vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tăng. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch theo hướng lao động khu vực nông nghiệp chuyển dần sang lao động khu vực phi nông nghiệp hoặc di cư đến khu vực khác để có làm việc.

 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của TTLĐ theo diễn biến của dịch; tạo chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc... Cụ thể, tỉnh đã xây dựng giải pháp hỗ trợ phát triển TTLĐ và việc làm giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu thúc đẩy phát triển TTLĐ theo hướng đồng bộ, hiện đại; thống nhất trên toàn quốc và từng bước kết nối với các nước trong khu vực, trên thế giới; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công về lao động, kết nối việc làm trên nền tảng kỹ thuật số; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin TTLĐ, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm…

 

Qua đó phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3% và khu vực thành thị dưới 4%; tỉ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40% và đến năm 2030 dưới 30%. Giảm tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo. Duy trì tỉ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỉ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%...

 

Ông Lê Bá Tự, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Hòa chia sẻ: Là huyện thuần nông, đại bộ phận người dân sản xuất nông nghiệp và một số ít làm dịch vụ nhỏ nên huyện Phú Hòa xác định tạo việc làm là chương trình ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành; được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 để thực hiện, nhằm tăng thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

Huyện đang phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách, thông tin về TTLĐ, việc làm; đẩy mạnh lồng ghép các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động có nhiều cơ hội tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm ổn định hơn.

 

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu

 

Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả mục tiêu kép theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến” vừa phòng chống dịch vừa tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Nhiều công ty cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ An, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú, cho biết: Công ty cần tuyển dụng bổ sung từ 300-500 công nhân lành nghề để lấp đầy các chuyền may. Công nhân có tay nghề cao ngoài việc được hưởng lương theo khu vực còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nếu hoàn thành tốt công việc.

 

Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH), toàn tỉnh hiện có 521.100 lao động từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, lao động đang làm việc trong nền kinh tế là 510.130 người. Nguồn cung lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay đông do lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp và thiếu việc làm. Một bộ phận lao động từ khu vực nông nghiệp có nhu cầu chuyển sang làm việc khu vực phi nông nghiệp để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.

 

Hiện nay, quy mô cầu về lao động có xu hướng tăng do chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ổn định. Cầu lao động tăng ở các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm mạnh ở ngành nông nghiệp. Dịch vụ - thương mại là ngành có quy mô cầu lao động cao nhất, sau đó là các ngành chế biến, may mặc, sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

 

Do đó, để thúc đẩy TTLĐ phát triển theo hướng đồng bộ, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, gồm: hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối TTLĐ trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước, phát triển các TTLĐ đặc thù; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, kết nối cung - cầu lao động theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH…

 

“Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ tỉnh đến năm 2030 là một chương trình kinh tế - xã hội mang tính toàn diện, được triển khai thông qua hệ thống chính sách cụ thể. Vì thế cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân người lao động”, ông Đinh Khắc Đô nói.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek