Chủ Nhật, 22/09/2024 15:42 CH
Phòng chống trẻ em bị bạo lực gia đình
Thứ Ba, 25/01/2022 07:00 SA

Chị Lê Thị Ái Ngọc hướng dẫn cho học sinh tiểu học biết cách bảo vệ bản thân không bị bạo hành và xâm hại. Ảnh: CTV

Những ngày qua, cộng đồng mạng lại dậy sóng bởi liên tiếp những vụ việc trẻ em bị bạo hành. Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trong chính gia đình và cộng đồng là điều mà không ít phụ nữ trăn trở.

 

Những vụ việc đau lòng

 

Thời gian vừa qua, sự việc một cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong tại nhà riêng, trên người có nhiều dấu vết khiến người người phẫn nộ. Đây không phải lần đầu việc trẻ em bị chính người thân, ruột thịt bạo hành bị phát hiện, nhưng cái chết của cháu bé khiến nhiều người không khỏi xót xa bởi việc bé bị đánh đập có nhiều người biết nhưng lại chưa can thiệp đến nơi đến chốn dẫn đến hậu quả đau lòng. Thêm một câu chuyện đau lòng khác, mới đây bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào đầu. Sự việc khiến nhiều người không khỏi rùng mình sợ hãi.

 

Đời sống hiện đại, nhiều người sống thoáng và nghĩ thoáng, thường sống cho bản thân nhiều hơn, nên khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, thay vì nghĩ cách hàn gắn, nhiều đôi vợ chồng trẻ đã chọn giải pháp ly hôn… Những đứa trẻ may mắn được sinh ra trong một gia đình hiểu biết, dù cha mẹ ly hôn, chúng vẫn được yêu thương, chăm sóc, nhưng con số này không nhiều, phần lớn con trẻ gánh chịu hậu quả, gặp không ít bất hạnh, mất mát, rủi ro sau khi cha (mẹ) có nhân tình hoặc kết hôn với người khác. Cụ thể là 2 vụ việc bé gái chấn động trong thời gian gần đây.

 

Điểm chung của những nạn nhân trên đều là những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, càng không thể bỏ chạy vì đó là người thân của mình.

 

Chuyện dạy con bằng roi vọt không hiếm trong nhiều gia đình hiện nay. Nhưng điều mà người ta thắc mắc là cháu bé 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh và cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội đã bị hành hạ tàn nhẫn trong thời gian dài nhưng lại không có ai can thiệp. Và dù có biết, nhiều người cũng ngại can thiệp bởi cho rằng đó là chuyện riêng của mỗi gia đình. Thậm chí nếu can thiệp, người ta lo ngại các cháu bé còn có thể bị đòn nặng hơn. Một câu hỏi đặt ra là giải pháp nào giúp trẻ không bị tổn thương sau khi cha mẹ ly hôn, khỏi bị bạo hành trong gia đình.

 

Để trẻ không bị thương tổn

 

Cách đây vài tháng, chị Nguyễn Thị Hà ở phường 7, TP Tuy Hòa và những người sống gần nhà tá hỏa khi ngày nào cũng nghe tiếng một người đàn ông đánh đập một bé gái trong nhà. Không biết người đàn ông dùng roi hay vật gì để đánh nhưng nghe tiếng bé gái la khóc thất thanh, liên tục van xin: “Ba ơi! Đau con quá ba ơi!” khiến không ai có thể ngồi yên. Nhưng dù cháu bé có van xin thì người đàn ông vẫn không dừng tay. Rất nhiều người đã chạy vào can, báo với chủ nhà trọ nơi hai cha con sinh sống để kịp thời can ngăn hành vi bạo lực với con nhỏ, thậm chí dọa sẽ đuổi khỏi nhà trọ nếu người đàn ông này vẫn còn đánh con. Được biết, người này là ba ruột của bé gái, vì mẹ thường xuyên vắng nhà nên mỗi ngày chỉ có hai cha con với nhau. “Bé gái khoảng 6-7 tuổi, khá nghịch ngợm nên thường xuyên bị đòn. Cũng may nhờ có sự can thiệp kịp thời của hàng xóm nên sau đó người cha không còn đánh con nữa”, chị Hà chia sẻ.

 

Giải pháp cho những đứa trẻ không bị bạo hành trong gia đình, nhất là những đứa trẻ sau khi cha mẹ ly hôn ngoài việc hỗ trợ can thiệp kịp thời của cộng đồng thì theo chị Nguyễn Thị Bích Diễn, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) là cha mẹ cần phải quan tâm, yêu thương chăm sóc không để con trẻ bị tổn thương sau khi ly hôn. Những người thân như ông bà, cô dì, chú bác nội ngoại hai bên… cần phải thường xuyên kết nối, có trách nhiệm quan tâm, thăm hỏi con cháu mình.

 

Ở một khía cạnh khác, chị Lê Thị Ái Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh cho rằng, cha mẹ cần phải trang bị cho con cái những kiến thức phòng chống bạo lực, xâm hại để mỗi đứa trẻ đều có thể tự bảo vệ mình. Chị Ngọc nói: Hiện nay, phần lớn phụ huynh quan tâm đến việc cho con cái học hành, mong con cái giỏi giang, mà xem nhẹ việc dạy cho trẻ những kỹ năng có thể tự bảo vệ bản thân trước những tình huống như bạo lực học đường, bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục, trong khi điều này vô cùng quan trọng.

 

Xuất phát từ những trăn trở này mà trong những năm gần đây, chị Lê Thị Ái Ngọc đã cùng với Hội Phụ nữ Công an tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học cũng như nhiều hội viên, phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở những vùng miền khó khăn. Hơn ai hết, chính các em là người nhận thức rõ nhất những hành vi nguy hại cho bản thân, các em cần học cách bảo vệ chính mình, cần biết cách kêu cứu, biết những địa chỉ tin cậy có thể tìm đến để bảo vệ cho bản thân. Ngoài ra, những người mẹ - người thường xuyên gần gũi nhất với con cái, hơn ai hết cần phải biết cách bảo vệ chính những đứa con thân yêu của mình. 

 

Những vụ việc bạo hành trẻ em hết sức nhẫn tâm trong thời gian vừa qua khiến nhiều người lo ngại về tình trạng suy đồi đạo đức xã hội. Nhiều người mong pháp luật có những biện pháp trừng trị thích đáng nhằm răn đe, cảnh tỉnh những người xem chuyện bạo hành trẻ em là chuyện của nhà mình.

 

Chị Nguyễn Thị Bích Diễn, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Xuân Đông

 

NGỌC HIỀN - TỐ NỮ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek