Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống; ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và sự đồng lòng, đoàn kết, vượt qua khó khăn của cán bộ, nhân viên, hoạt động của ngành Ngân hàng Phú Yên vẫn đạt được một số kết quả tích cực.
Nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế
Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh đến thăm ngân hàng vào dịp quyết toán cuối năm 2021 vừa qua, ông Hoàng Anh Minh, Giám đốc VietinBank Phú Yên cho biết: Năm qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống cũng như nền kinh tế của cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, nhân viên VietinBank Phú Yên, hoạt động kinh doanh năm 2021 vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Về chỉ tiêu quy mô, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế bình quân đến cuối năm 2021 tăng trưởng 6% so với năm 2020, hoàn thành gần 101% kế hoạch trụ sở chính giao; tổng nguồn vốn bình quân tăng trưởng 10,55% so với đầu năm, đạt hơn 102,4% kế hoạch.
Tại Vietcombank Phú Yên, năm vừa qua, tín dụng tăng trưởng và chuyển dịch theo định hướng bán lẻ. Công tác phát triển khách hàng mới được chi nhánh quan tâm, chú trọng. Nhờ vậy, dư nợ cho vay tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm. “Trong năm, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tín dụng tại chi nhánh vẫn tăng 14% so với năm 2020. Dư nợ đến cuối năm 2021 đạt 5.291 tỉ đồng, đạt 101% kế hoạch. Huy động vốn khoảng 2.422 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2020”, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vietcombank Phú Yên nói.
Theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, thông thường quý III hàng năm, các doanh nghiệp, cá nhân sẽ tăng tốc hoạt động, ngành Ngân hàng cũng sẵn sàng cung ứng vốn để khách hàng sản xuất kinh doanh. Nhưng trong năm 2021, dịch COVID-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đúng vào thời điểm này, nên mọi thứ gần như “đứng bánh”. Khi đó, các ngân hàng một mặt tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất… giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Mặt khác, khi dịch dần được kiểm soát, mọi hoạt động được nới lỏng tiến tới cuộc sống bình thường mới, các ngân hàng lại tích cực tìm kiếm khách hàng, tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm từ 0,5-2,5% để người vay có điều kiện phục hồi hoạt động. Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 40.087 tỉ đồng, tăng 10,3%; tổng nguồn vốn huy động 32.406 tỉ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Nợ xấu cũng được kiểm soát tốt ở mức dưới 1%. Ngoài ra, ngành Ngân hàng Phú Yên còn nỗ lực làm việc với các đơn vị liên quan, tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ từ các định chế tài chính trong nước và quốc tế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhân viên ngân hàng giới thiệu các gói vay ưu đãi giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Ảnh: LÊ HẢO |
Làm cầu nối thu hút đầu tư
Đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, thiên tai, hoàn thành kế hoạch đề ra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mong muốn cán bộ, nhân viên các đơn vị trong ngành tiếp tục phát huy thế mạnh, đoàn kết, đồng lòng, quyết liệt triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm, cùng với chính quyền địa phương thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2022, tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Để đạt được mục tiêu này, hơn ai hết, ngành Ngân hàng có vai trò rất quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Còn theo đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2022, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai rất nhiều dự án, kể cả đầu tư công lẫn đầu tư ngoài ngân sách. Lãnh đạo tỉnh mong muốn các ngân hàng tiếp tục đồng hành, cung ứng vốn, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.
“Sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế. Trong số các giải pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch thì chính sách tiền tệ, tài khóa có vai trò quan trọng hàng đầu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cần theo dõi sát sao các chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước để có sự tham mưu, điều hành tại địa phương cho sát thực tế. Đơn vị cũng cần làm cầu nối, kêu gọi các ngân hàng thương mại chung tay với tỉnh kết nối, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu hút các nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu, triển khai dự án tại tỉnh. Đồng thời kêu gọi các ngân hàng tiếp tục mở chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có thêm kênh tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống”, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nói.
Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động an sinh xã hội với tổng số tiền 36,5 tỉ đồng; riêng ủng hộ tiền, vật tư, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho các đơn vị, địa phương phòng chống dịch với tổng trị giá 21,9 tỉ đồng.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên |
LÊ HẢO