Chiều 30/12, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng cục PCTT và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT. Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh… tham dự.
Theo Tổng cục PCTT, năm 2021, cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương; ước thiệt hại trên 5.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn là một năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2020 (năm 2020 có 357 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 39.945 tỉ đồng)…
Ở Phú Yên, năm 2021, hạn hán làm thiệt hại hơn 3.810ha lúa hè thu và hàng trăm hécta các cây trồng cạn khác, hơn 5.050 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Từ tháng 10/2021 đến nay, do ảnh hưởng bão, mưa lũ, mực nước các sông trên mức báo động cấp III, gây thiệt hại về người và tài sản. Riêng đợt lũ lụt từ ngày 30/11-2/12 đã làm 8 người chết; hàng trăm ngàn hécta lúa vụ mùa, hoa màu và các loại cây trồng khác hư hỏng; chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, giao thông, các công trình hạ tầng khác thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại các đợt lũ, bão năm 2021 hơn 580 tỉ đồng…
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã và đang gây tổn thất rất lớn. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; các thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất… có nguy cơ ngày càng cao, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Trước những thách thức đó, các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó; phục hồi, tái thiết sau thiên tai; tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, đầu tư mua sắm trang thiết bị chuyên dùng để ứng phó hiệu quả. Các địa phương cần nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, đầu tư nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển đảm bảo an toàn chống lũ, bão; theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động, bản đồ sạt lở, ngập lụt, triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại…
ANH NGỌC