Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho từng thành viên. Yêu thương và chia sẻ là giá trị tình thân gia đình cần thiết nhất đối với mỗi người.
Những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát là khoảng thời gian rất dài với những người làm cha, làm mẹ phải xa con, xa gia đình để làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Lạc quan chiến thắng dịch bệnh
Chị Biện Thị Thanh Tuyền, Phó Bí thư Xã đoàn An Mỹ (huyện Tuy An) kể lại, lúc đó, chị và nhiều cán bộ cơ sở đành xa gia đình để vào cơ quan, đơn vị, tập trung “3 tại chỗ”, không có ngày nghỉ, thậm chí giờ nghỉ, nhiều lúc quên ăn quên ngủ để hoàn thành công việc được giao. Thời điểm đó, chồng chị cũng phải ở lại TP Tuy Hòa để đảm bảo công việc trong thời gian giãn cách, nên con gái chị chỉ trông cậy vào ông bà ngoại chăm sóc. Giữa những ngày như “thời chiến” ấy, chị chỉ biết gửi những nỗi nhớ nhung với cô con gái nhỏ lên facebook khiến nhiều người xúc động.
Nhắc lại khoảng thời gian đó, chị Tuyền chia sẻ: “Nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhưng được mọi người trong gia đình động viên và ủng hộ nên tôi càng có thêm động lực để cố gắng vượt qua mọi gian nan, vất vả trong công việc. Bởi khi cán bộ chăm lo tốt nhất cho người dân thì người dân sẽ yên tâm ở nhà trong thời gian địa phương siết chặt giãn cách xã hội. Điều này cũng là góp phần cùng chính quyền chung tay phòng chống COVID-19”.
Trước khi TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ 0 giờ ngày 9/7), chị Trần Thị Mỹ Túc ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) đã gửi vào cho chồng hai thùng hàng là quà quê từ Phú Yên, nơi chị chọn gắn bó cùng chồng nhiều năm qua. Chồng chị chẳng quen chuyện chợ búa nên nhận được hai thùng quà như vớ được vàng. “Lúc đó, hai vợ chồng tôi thường gọi điện nhắc nhở nhau những biện pháp phòng chống dịch bệnh hoặc trò chuyện với nhau qua zalo, facebook. Tôi nghĩ, dù bất cứ hình thức nào thì tình cảm vợ chồng vẫn luôn thắt chặt”, chị Túc bày tỏ.
Với anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), trước khi xảy ra dịch, mỗi tuần vẫn thường chở vợ con về thăm mẹ ở Tuy An. Nhưng từ ngày dịch bùng phát, anh chị ít về hơn vì “rủi có gì thì mẹ khó chống chọi nổi”. Vì mẹ anh bệnh huyết áp, tim mạch, xương khớp, mỗi ngày đều uống nhiều thuốc. Về thăm mẹ trong thời điểm COVID-19 là sự mạo hiểm. “Do vậy, những ngày dịch giã, gia đình tôi thường gọi video để các cháu có thể nhìn thấy, trò chuyện, hỏi han, chia sẻ với ông bà, để ông bà bớt cô đơn và vui vẻ hơn”, anh Lâm chia sẻ.
Giá trị của gia đình
Xuất phát từ thái độ đặc biệt thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia với những gia đình trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) đã chỉ ra những khó khăn mà họ đang phải đối mặt: Con cái phải nghỉ học, không gửi trẻ được, vợ/chồng phải thay nhau nghỉ ở nhà chăm sóc con (điều này chỉ có thể làm được nếu dịch chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nhưng thực tế, thời gian dịch bệnh kéo dài tính bằng tháng, bằng năm), dẫn đến họ không có khả năng tiếp tục nghỉ làm mà buộc phải lựa chọn gửi con về quê cho ông bà, thậm chí là mỗi con gửi về một quê nội, quê ngoại. Hơn thế, bản thân họ còn có thể bị mất việc, thu nhập của gia đình không còn. Đó chính là những áp lực đang hàng ngày đè nặng lên nhiều gia đình…
Các thành viên gia đình tôi cùng nhau san sẻ công việc từ đi chợ, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, tưới cây... Mỗi ngày, chúng tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông về số ca nhiễm COVID-19, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tôi cho rằng, gia đình có bình an, mạnh khỏe thì mới đem lại những điều hạnh phúc, tạo sự an tâm để xây dựng những giá trị khác trong cuộc sống, gìn giữ hạnh phúc bền lâu. Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn, huyện Tuy An |
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, chưa khi nào gia đình lại trở về đúng nghĩa là tổ ấm chở che cho các thành viên như khi dịch bệnh hoành hành. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi gia đình chính là điểm tựa quan trọng, là “pháo đài” vững chắc trên trận chiến chống giặc COVID-19. Mỗi gia đình đều sạch bệnh sẽ góp phần giúp cộng đồng sạch bệnh. Có như vậy thì dịch bệnh mới nhanh chóng được đẩy lùi.
Cuộc sống gia đình chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) cũng không ngoại lệ khi dịch COVID-19 xảy đến. Mọi công việc và sinh hoạt gia đình đều xáo trộn, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch này. Thời gian đầu, các thành viên trong gia đình đều có cảm giác khác lạ nhưng rồi niềm vui, tình cảm gia đình đã trở nên khăng khít khi mọi người được ở bên nhau nhiều hơn.
“Các thành viên gia đình tôi cùng nhau san sẻ công việc từ đi chợ, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, tưới cây... Mỗi ngày, chúng tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông về số ca nhiễm COVID-19, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tôi cho rằng, gia đình có bình an, mạnh khỏe thì mới đem lại những điều hạnh phúc, tạo sự an tâm để xây dựng những giá trị khác trong cuộc sống, gìn giữ hạnh phúc bền lâu”, chị Thu nói.
Còn chị Dương Thị Hằng ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), chia sẻ: “Bài học đầu tiên chúng tôi dạy cho các con trong thời gian giãn cách là bài học về tình yêu thương và trách nhiệm. Cảm nhận được tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ, các con của chúng tôi đã nỗ lực học tập và lao động để vun vén cho cuộc sống, trở thành người công dân có ích cho xã hội” .
THIÊN LÝ