Thứ Tư, 27/11/2024 11:39 SA
Tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển
Thứ Sáu, 10/12/2021 07:31 SA

Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) năm 2021 (từ 15/11-15/12) đang diễn ra với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

 

Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ cho phụ nữ có việc làm ổn định, phát triển bình đẳng. Ảnh: KIM CHI

 

2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn.

 

Hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề

 

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

 

Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

 

Trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 được ban hành trong thời gian qua, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do cha mẹ bị tử vong bởi COVID-19... Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

 

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương. Với những giải pháp phát triển chương trình kinh tế - xã hội đúng hướng, giai đoạn 2016-2020, mỗi năm Phú Yên giải quyết việc làm mới hơn 24.700 lao động, trong đó tỉ lệ nữ chiếm gần 50%, vượt so với kế hoạch đề ra. Dự án vay vốn tạo việc làm bình quân cho vay 36 tỉ đồng/năm, góp phần giải quyết thêm việc làm cho 2.300 lao động/năm, đã tạo điều kiện cho nhân dân có vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, hình thành những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ các nhà máy công nghiệp như: sắn, mía; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý đã thúc đẩy kinh tế phát triển. Tỉ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt trên 40%. Tỉ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 95% vào năm 2020.

 

Chị H’Ving H’Điếp ở buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa chia sẻ: “Khi cha mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng tôi rất khó khăn, là diện hộ nghèo. Năm 2012, thông qua hội phụ nữ nhận vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Hòa, vợ chồng tôi được vay 15 triệu đồng từ nguồn vay hộ nghèo mua 2 con bò sinh sản. Vài năm sau bò đẻ ra bê, chúng tôi bán bớt để trả hết nợ, sau đó tiếp tục được vay 25 triệu đồng diện hộ cận nghèo. Số bò sinh sản tăng lên, gia đình tôi bán trả được nợ cũ và tiếp tục được xét vay 50 triệu đồng diện hộ mới thoát nghèo”. Nhìn đàn bò 12 con lớn nhỏ trong chuồng đang ăn cỏ, H’Điếp không giấu được niềm vui, bày tỏ: “Từ hai bàn tay trắng, chỉ gần 10 năm sau, giờ vợ chồng tôi đã có nhà ở, con cái được chăm sóc, học hành tử tế! Có Nhà nước cho vay vốn, làm đường giao thông, làm công trình thủy lợi cho bà con làm lúa nước, giờ chỉ ai không chịu làm ăn mới nghèo đói thôi…”.

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phòng chống dịch

 

Theo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, việc lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho tháng hành động năm nay một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy BĐG thực chất.

 

Theo đó, trong tháng hành động này, các cấp, ngành đã đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác BĐG và trẻ em. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực diễn ra trong môi trường gia đình, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

 

Theo Sở VH-TT-DL, trong thời gian qua, thông qua các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình, các đơn vị trong ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung thực hiện BĐG, trong đó có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình trong các buổi sinh hoạt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng. Về công tác phát hiện trường hợp bị bạo lực gia đình và tư vấn các nạn nhân bị bạo lực gia đình được thực hiện thường xuyên. Hầu hết số vụ bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực được phát hiện kịp thời, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các sơ sở trợ giúp. Người có hành vi bạo lực gia đình được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

“Việc triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của toàn xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực”, bà Phạm Thị Minh Hiền khẳng định.

 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà, để giải quyết bất BĐG ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để bảo đảm an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sẽ không có BĐG nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. 

 

Để giải quyết bất BĐG ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để bảo đảm an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek