Thứ Tư, 27/11/2024 23:38 CH
Nỗ lực giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Thứ Sáu, 03/12/2021 10:56 SA

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật hở môi vòm (hở hàm ếch). Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp, thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe ban đầu ưu tiên cho người khuyết tật (NKT) trên nhiều lĩnh vực. Qua đó góp phần đáng kể giúp NKT tiếp cận các dịch vụ công cộng, giao thông, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch... hòa nhập cộng đồng.

 

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh phấn đấu cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT, xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT.

 

Chung tay hỗ trợ

 

Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trợ giúp NKT vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Các sở, ban ngành, hội, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chế độ, chính sách trợ giúp NKT.

 

Nhìn chung, công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực; việc thực hiện chính sách trợ giúp NKT được triển khai đúng quy định, đảm bảo mọi NKT đều được hưởng chính sách trợ giúp như nhau và kịp thời. Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 95% NKT nặng và đặc biệt nặng; hàng năm, lập danh sách số trẻ em bị dị tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch để khám sàng lọc, phân loại, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng. Các trạm y tế phường, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật. Có 2.456 trẻ em dưới 6 tuổi được khám sàng lọc. Qua đó phát hiện 92 trường hợp trẻ khuyết tật, đã có kế hoạch can thiệp tại chỗ cho các trẻ mắc khuyết tật nhẹ và lên kế hoạch can thiệp cho các cháu mắc khuyết tật nặng. Các ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho NKT được hưởng các chế độ, chính sách, bảo trợ xã hội, khuyến khích NKT tham gia học nghề để tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cuộc sống.

 

Giai đoạn 2016-2020, có 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư đảm bảo điều kiện để NKT tiếp cận sử dụng. Nhằm giúp NKT tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về trợ giúp pháp lý miễn phí, hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý cho NKT trên địa bàn tỉnh; soạn thảo, in và phát hành 23.400 tờ gấp pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội, về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và trợ giúp xã hội đột xuất. Ngoài ra, trung tâm này còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật về NKT; tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng tư vấn pháp luật cho NKT. Qua đó, NKT được cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý, kiến thức pháp luật, giúp giải tỏa mặc cảm, tự lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Người mù cung cấp hàng ngàn dụng cụ như: xe lăn, xe lắc, chân, tay giả phục hồi chức năng; tạo việc làm… giúp NKT vươn lên trong cuộc sống. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại 43 xã, phường, thị trấn cho 2.150 hội viên phụ nữ nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật NKT, Luật Bình đẳng giới, đề án Trợ giúp NKT của tỉnh giai đoạn 2012-2020. Đồng thời giới thiệu những mô hình hoạt động hiệu quả trong việc trợ giúp phụ nữ khuyết tật nói riêng và NKT nói chung.

 

Hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng

 

Toàn tỉnh có hơn 26.700 NKT. Hiện nay, cuộc sống của đa số NKT gặp nhiều khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Mặt khác, do bệnh tật, sức khỏe ngày càng giảm sút, một bộ phận NKT không có khả năng lao động hoặc có khả năng nhưng khó tìm được việc làm phù hợp, phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình và người thân.

 

Hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ngành. Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh phấn đấu vận động nguồn lực hỗ trợ nâng cấp một số cơ sở sản xuất, cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ trợ giúp đối với NKT; hỗ trợ xe lăn, xe lắc, khung tập đi, gậy, máy trợ thính, chân tay giả và các thiết bị cần thiết. Đồng thời xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn phát hiện, sàng lọc, tư vấn sử dụng, bảo quản thiết bị trợ giúp NKT cho cán bộ trợ giúp NKT, gia đình và NKT. Xây dựng và nhân rộng mô hình “cây gậy trắng” chỉ dẫn thông minh đối với người khiếm thị; mô hình sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; mô hình hỗ trợ sinh kế đối với NKT; mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT. Toàn tỉnh phấn đấu trên 1.000 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề cho NKT; trên 95% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

 

Các hội, đoàn thể, nhất là hội phụ nữ tập trung truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng về thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ yếu thế; tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kết nối phụ nữ có nhu cầu tới các dịch vụ sẵn có nhằm hỗ trợ phụ nữ yếu thế tiếp cận với chính sách an sinh xã hội. Rà soát, đánh giá các mô hình hiện có để phát triển, xây dựng thành mô hình truyền thông lồng ghép vận động hỗ trợ phụ nữ yếu thế tại cộng đồng, xây dựng mô hình phụ nữ khuyết tật tự lực.

 

Toàn tỉnh phấn đấu, hàng năm khoảng 90% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 1.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 100% công trình xây mới và 70% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người NKT. Đồng thời phấn đấu có trên 50% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 90% NKT tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh là 60%. Câu lạc bộ thể dục thể thao NKT có thể tiếp cận, thu hút 30% NKT tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 30% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật. 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng. 95% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 95% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.

 

Để NKT thực sự hòa nhập, bình đẳng và có đời sống tốt hơn nữa, rất cần thêm sự chung tay của cả cộng đồng nhằm có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ cho NKT một cách căn cơ và bài bản.

 

ĐINH VIẾT HẬU

Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek