Hiện nay, tình trạng đi trễ, về sớm, quan liêu... vẫn còn xảy ra trong nhiều cán bộ công chức ở một số công sở, ảnh hưởng đến thời gian, lòng tin của người dân. Thực thi văn hóa công sở bằng việc xây dựng lề lối làm việc, thái độ ứng xử văn hóa của cán bộ công chức với nhân dân là vấn đề đặt ra hiện nay.
Tiếp công dân ở UBND phường 7 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: N.HÂN |
Theo đánh giá của Sở Nội vụ Phú Yên, việc thực hiện văn hóa công sở, nhất là ở cấp chính quyền cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Ông Bùi Trọng Lân, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Phú Yên), cho biết: Thời gian qua, Sở Nội vụ Phú Yên đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ công chức, viên chức của các đơn vị, địa phương, xem đây là một tiêu chí để tham mưu cho UBND tỉnh trong bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra rà soát việc thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả minh bạch, công bằng trong giải quyết công việc hành chính; đổi mới phương thức điều hành, lề lối làm việc, từng bước làm cho bộ máy hành chính phù hợp với yêu cầu cơ chế quản lý; loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho các tổ chức công dân và doanh nghiệp.
Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, những việc làm được nhân dân hoan nghênh, đồng tình như công khai số điện thoại di động, điện thoại cơ quan của các vị lãnh đạo; gặp gỡ, tiếp dân hằng tháng, thông báo đường dây điện thoại nóng của một số cơ quan, ban ngành… Theo một số cán bộ lãnh đạo, từ ngày công khai số điện thoại, việc thông tin đa chiều ngày càng tốt hơn, có tác động đến sự thay đổi trong nhận thức, ứng xử của cán bộ. Việc cấm uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, đeo thẻ công chức thường xuyên của các cơ quan, ban, ngành, các xã, phường… đang tạo nên nét đẹp văn hóa trong hoạt động của bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là thực hiện quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử ở một số địa phương, đơn vị, cơ sở vẫn còn bất cập. Có đơn vị khi người dân đến liên hệ công tác từ chối việc giữ xe mặc cho khách tự lo liệu, hoặc nếu giữ thì bị… tính tiền gởi xe! Đáng ngại hơn là thái độ quan liêu, “bình thản”, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, công chức khi tiếp nhận hồ sơ của công dân hoặc tổ chức với lời hứa hẹn giải quyết khiến người dân phải chạy đi chạy lại nhiều lần!
Để thực hiện tốt văn hóa công sở, góp phần xây dựng hình ảnh cơ quan văn hóa một cách hiệu quả, phục vụ tốt nhân dân, cần xây dựng cung cách hành xử của đội ngũ cán bộ khi giao tiếp với công dân, tổ chức. Cần thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân kiểm tra, giám sát… Có như vậy mới góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức “trung thành - tận tụy - sáng tạo - gương mẫu”.
KIM CHI